Công đoàn cơ sở Chi cục Bảo vệ thực vật
Đẩy mạnh chuyển giao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp
Cập nhật ngày: 04/11/2013 05:37:54
Công đoàn cơ sở CĐCSC Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh xác định phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Từ đó, hàng năm đơn vị đã chủ động xây dựng các đề án, dự án, mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích sản xuất.
Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa
Điển hình là mô hình mới về quản lý sâu rầy theo hướng an toàn sinh học kết hợp với công nghệ sinh thái (trồng hoa trên bờ ruộng) được triển khai thực hiện tại các xã điểm nông thôn mới của 4 huyện: Tháp Mười, Cao Lãnh, Tam Nông và Lấp Vò từ năm 2011 đến năm 2013 với tổng diện tích 289,3ha, có 235 hộ nông dân tham gia.
Mô hình đã góp phần đa dạng hóa hệ sinh thái trong ruộng lúa, thu hút các loài thiên địch để khống chế các đối tượng dịch hại, nhất là rầy nâu và sâu cuốn lá, giúp nông dân hạn chế sử dụng thuốc hóa học, giảm tác hại gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người cũng như giảm chi phí đầu tư từ 1,5 - 3 triệu đồng/ha.
Đặc biệt, đối với số diện tích thực hiện mô hình trên, CĐCS Chi cục BVTV tỉnh phối hợp với Công ty Cổ phần BVTV An Giang tổ chức thực hiện chương trình “Cùng nông dân bảo vệ cây trồng” nhằm hỗ trợ nông dân nâng cao nhận thức trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế vứt bỏ vỏ chai hoặc bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng thông qua việc đặt thùng chứa rác cố định ngoài ruộng góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng được nông dân tích cực hưởng ứng.
Trước tình hình dịch bệnh chổi rồng hại nhãn diễn biến phức tạp trên diện rộng, làm ảnh hưởng đến các nhà vườn trồng nhãn, CĐCS Chi cục BVTV tỉnh đã chủ động thực hiện trình diễn các giải pháp quản lý bệnh chổi rồng trên cây nhãn bước đầu mang lại hiệu quả, giúp nhà vườn mạnh dạn áp dụng tốt quy trình dập dịch. Đáng chú ý, một số địa phương chọn nông dân sản xuất giỏi điển hình trong việc quản lý bệnh chổi rồng hiệu quả tham gia các hội thảo để các nhà vườn khác học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất cây ăn trái. Hiện tại, nhiều diện tích vườn nhãn đang phục hồi tốt, diện tích và tỷ lệ bệnh tiếp tục giảm, nhiều diện tích cho thu hoạch và có lợi nhuận khá.
Việc đẩy mạnh chuyển giao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân của CĐCS Chi cục BVTV tỉnh đã từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng an toàn, bền vững và hiệu quả.
Dũng Chinh