Khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn

Cập nhật ngày: 07/10/2013 05:03:46

Năm 2013, lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm có bước phát triển hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, kết quả không đạt kế hoạch đề ra, người chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do giá thức ăn tăng cao, giá bán ra thị trường thấp. Trước thực trạng thua lỗ, người chăn nuôi khó có thể tăng đàn.


Một trang trại nuôi heo ở huyện Lấp Vò

Trên địa bàn toàn tỉnh, ước cả năm, đàn gia cầm đạt 5 triệu con, đạt 62,5% kế hoạch đề ra, tăng 700 ngàn con so với năm 2012; đàn heo 300 ngàn con, đạt 66,6% kế hoạch, tăng 25.490 con so với năm 2012; đàn trâu 2.300 con, đạt 115% kế hoạch, đàn bò 19 ngàn con, đạt 47,5% kế hoạch. Ngay từ đầu năm, công tác phòng, chống dịch bệnh được ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN và PTNT) triển khai, tổ chức tốt khâu phòng bệnh, tiêm phòng, phun xịt tiêu độc khử trùng và cấp phát thuốc cho hộ chăn nuôi. Công tác trên nhận được sự hỗ trợ, tài trợ từ dự án VAHIP, dự án VIZIONS nên đã chủ động kiểm soát khống chế dịch bệnh.

Trong công tác tiêm phòng bệnh, kết quả, tiêm phòng cúm trên gà đạt 80% tổng đàn, vịt đạt 85% tổng đàn; tiêm phòng bệnh heo tai xanh tỷ lệ 18,9% tổng đàn; bệnh lở mồm long móng trên heo 9% tổng đàn, trên trâu bò tỷ lệ 32,66% tổng đàn. Công tác quản lý vịt chạy đồng thông qua việc đăng ký và cấp sổ ở địa phương trên toàn tỉnh vẫn được duy trì. Kết quả, đến đầu tháng 9/2013, đã cấp hơn 600 sổ vịt đẻ (gần 947 ngàn con), 34 sổ vịt thịt (gần 40 ngàn con).

Công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật là một trong những nhiệm vụ quan trọng ngành nông nghiệp quan tâm thực hiện trong năm 2013. Cụ thể, thông qua việc xây dựng các mô hình giải quyết ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi gia súc, gia cầm; mô hình chăn nuôi gà sử dụng chế phẩm sinh học gắn với tiêu thụ. Riêng mô hình phát triển chăn nuôi thủy cầm an toàn sinh học thực hiện năm thứ 3, với quy mô 7.100 con vịt thịt. Năm 2013, ngành tổ chức 44 lớp tập huấn về phòng, chống dịch bệnh; tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho 100 hộ chăn nuôi bò và hộ nghèo nhận nuôi bò tại xã Hòa An, TP.Cao Lãnh; cấp phát 1.400 tờ rơi về phòng, chống bệnh cúm gia cầm.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 10 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nguồn sản phẩm từ các nhà máy này cơ bản đáp ứng yêu cầu thức ăn cho ngành chăn nuôi địa phương. Dự kiến, năm 2014, ngành NN và PTNT tỉnh sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp. Kế hoạch đề ra phấn đấu đàn bò đạt 20 ngàn con, trong đó 50% tổng đàn được phối giống theo phương pháp gieo tinh nhân tạo; đàn trâu 2.000 con, heo 400 ngàn con, gia cầm 7 triệu con.

Theo Sở NN và PTNT, năm 2014, ngành sẽ tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch phát triển chăn nuôi. Thực hiện kiểm tra, kiểm dịch tại nơi xuất phát (kiểm tra tại gốc); triển khai xây dựng khu cách ly gia súc thu gom tại khu vực biên giới nhằm kiểm soát được số lượng gia súc, gia cầm vận chuyển qua biên giới. Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh, ngành khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện quy trình nuôi an toàn sinh học; thực hiện triệt để công tác tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc, khử trùng; kiểm dịch, kiếm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm nhất là vùng biên giới, vùng giáp ranh liên tỉnh...

Về giống trong chăn nuôi, sẽ nâng cao chất lượng giống, trên cơ sở phát triển và củng cố mạng lưới thụ tinh nhân tạo, mạng lưới thú y để đào tạo, tập huấn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật nuôi, kỹ thuật lai tạo giống, xây dựng các mô hình trình diễn chăn nuôi an toàn sinh học. Mở rộng hệ thống mạng lưới gieo tinh nhân tạo heo, bò. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao xây dựng mô hình, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình chăn nuôi trang trại hiệu quả, bền vững và an toàn sinh học...

Thanh Trâm

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn