Tháp Mười hướng đến sản xuất lúa theo chiều sâu
Cập nhật ngày: 23/09/2013 07:18:03
Làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết là một trong những điểm nghẽn của sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, tỉnh đang tiến đến tái cơ cấu nông nghiệp gắn với cánh đồng liên kết hướng tới sư phát triển bền vững. Hòa trong xu thế đó, Tháp Mười đang đẩy mạnh, thu hút doanh nghiệp vào những cánh đồng ở địa phương...
Xây dựng cánh đồng liên kết - hướng tới sự phát triển bền vững
trong nông nghiệp
Năm nay, huyện Tháp Mười đã tiến đến xây dựng cánh đồng liên kết với diện tích 8.000ha. Doanh nghiệp đồng hành trong liên kết tiêu thụ quy mô lớn như Công ty TNHH MTV Lương thực Tân Hồng với diện tích được bao tiêu gần 4.000ha. Theo đó, Công ty sẽ cung ứng vật tư nông nghiệp, giống, hỗ trợ kỹ thuật canh tác. Ngoài ra, doanh nghiệp còn cho nông dân gửi lúa trong vòng 1 tháng chờ giá, hỗ trợ 50% phí bảo hiểm nông nghiệp cho người nông dân. Theo hình thức thu mua, nông dân được cân lúa tươi tại ruộng và quy về lúa khô với giá thu mua tính theo giá thời điểm của thị trường...
Theo thống kê, đến nay không chỉ riêng Công ty TNHH MTV Tân Hồng, huyện Tháp Mười còn liên kết được nhiều doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm như: Công ty TNHH lương thực Phương Đông, Công ty lương thực Đồng Tháp, Công ty TNHH XNK Võ Thị Thu Hà, Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Xay xát lúa gạo Cẩm Nguyên. So sánh với việc sản xuất lúa theo kiểu truyền thống, liên kết sản xuất giúp người nông dân lãi thêm 200 - 300 đồng/kg lúa...
Ông Võ Văn Dũng - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười cho hay: “Tham gia mô hình cánh đồng liên kết của doanh nghiệp, nông dân giảm được chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận. Điều quan trọng là tạo đầu ra cho sản phẩm ổn định, tránh tình trạng bị thương lái ép giá”.
Ông Lê Minh Đời, xã Mỹ Hòa có 2ha lúa sản xuất giống liên kết với Công ty Bảo vệ thực vật An Giang vừa mới thu hoạch, năng suất đạt trên 8 tấn lúa tươi/ha, được Công ty thu mua với giá khá cao, theo tính toán cao hơn từ 22.000 đồng/giạ so với giá thị trường, lợi nhuận đạt được trên 10 triệu đồng/ha. Ông Lê Minh Đời cho biết: “Khi chưa có liên kết sản xuất với Công ty BVTV An Giang, sản phẩm làm ra không ổn định, nhiều lúc người sản xuất lúa giống bán bằng với lúa thường, nhưng khi có mối liên kết bền chặt giữa nông dân và doanh nghiệp thì sản xuất giống đã mang lại nguồn lợi nhuận cao so với sản xuất lúa truyền thống. Từ những kết quả trên, không chỉ riêng tôi mà các thành viên trong câu lạc bộ (CLB) sản xuất lúa giống đều phấn khởi. Liên kết sản xuất với công ty là một trong những hướng đi cần thiết. Vụ đông xuân 2014, CLB tiếp tục mở rộng diện tích liên kết thêm 10ha”.
Một số xã trên địa bàn huyện cũng bắt đầu xây dựng cánh đồng liên kết bởi những điều kiện ưu việt đáp ứng nhu cầu thực tại cho người nông dân. Ông Lương Quốc Xuân - Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Rạng Đông, xã Mỹ Quý cho hay: “Vừa qua, UBND xã triển khai việc thực hiện xây dựng cánh đồng liên kết với Công ty Phương Đông, bản thân cũng rất phấn khởi. Vì để người nông dân có thu nhập ổn định thì phải có đầu ra sản phẩm tốt, giảm được chi phí sản xuất. Trong khi cánh đồng liên kết lại giải quyết được vấn đề đó. Sau khi triển khai, tôi và các xã viên sẽ tham gia thực hiện cánh đồng liên kết”.
Trong điều kiện hiện nay để giúp nền nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, tỉnh ta đã xây dựng đề án tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó cánh đồng liên kết là một trong những điểm nhấn quan trọng cho sự thành công của đề án. Theo đó, vai trò của doanh nghiệp, HTX đóng vai trò vô cùng quan trọng. Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, để góp phần vào sự phát triển chung của đề án cũng như đối với cánh đồng liên kết của địa phương, đơn vị sẽ phối hợp với nhiều ngành chức năng đẩy mạnh nâng cao vai trò của HTX, tiếp tục thu hút doanh nghiệp với cánh đồng liên kết, tạo sự song hành trong tái cơ cấu.
Ông Đinh Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho hay: “Hiện nay, một trong những khó khăn lớn nhất là việc tiêu thụ sản phẩm, giá cả bấp bênh ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với cánh đồng liên kết đáp ứng mong mỏi của người nông dân, giải quyết được bài toán căn cơ tiêu thụ lúa cho bà con nông dân, tránh tình trạng trúng mùa mất giá. Ngoài các công ty đã thực hiện liên kết thì trong thời gian tới, huyện tiến hành chỉ đạo các ngành xây dựng vùng nguyên liệu 5.000ha để cung ứng lúa hàng hóa theo đặt hàng của Công ty Cẩm Nguyên phục vụ chế biến xuất khẩu, tiến hành ký kết hợp đồng bao tiêu với giá lúa thỏa thuận. Với cách làm này, người nông dân sẽ có nguồn thu nhập ổn định”.
K.D