Tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm ở vịt chạy đồng

Cập nhật ngày: 06/09/2013 05:15:06

Đồng Tháp đang bước vào những tháng cao điểm của mùa lũ, đây là thời điểm các chủng virut, nhất là vurut cúm A H5N1 hoạt động mạnh và dễ dàng phát tán trong môi trường.


Vịt nuôi thả đồng ở huyện Cao Lãnh

Vì vậy, từ đầu năm nay Chi cục thú y tỉnh kết hợp với các đoàn thú y cơ sở tăng cường công tác kiểm tra và tiêm phòng trên 3,5 triệu liều vắc xin cho đàn gia cầm của tỉnh. Bên cạnh đó, đối với những hộ nuôi vịt chạy đồng các cơ quan thú y còn đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác phòng ngừa cúm, cũng như các kỹ năng xử lý tình huống cho người nuôi khi phát hiện dịch cúm tái phát.

Theo thống kê của Chi Cục thú y, hiện tại, tổng đàn gia cầm của tỉnh có khoảng 10 triệu con. Trong đó vịt được nuôi theo hình thức chạy đồng chiếm khoảng 70%, qui mô mỗi đàn từ 700 - 2.000 con. Tập trung chủ yếu ở các huyện: Cao Lãnh, Tháp Mười, Thanh Bình, Tam Nông... Tuy nhiên, vào những thời điểm ăn đồng, đàn vịt có thể tăng cao hơn vì hầu hết các hộ chăn nuôi đều tăng đàn để tranh thủ nguồn thức ăn trên đồng sau mỗi mùa gặt. Theo kinh nghiệm lâu năm của bà con trong nghề, thì nuôi vịt theo phương thức chạy đồng là hình thức phổ biến và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Nguyễn Văn Vũ ngụ ấp Tân Trường, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh chia sẻ: “Ngay sau khi ruộng gieo sạ xong, tôi đầu tư tiền mua thêm vịt giống để kịp chạy đồng sau mùa thu hoạch. Nếu so với nuôi nhốt thì chi phí nuôi vịt trong mùa chạy đồng giảm khoảng 1/3. Trong khi đó, sản lượng trứng lại cao hơn, trứng to và chất lượng nên bán được giá. Bình quân, sau mỗi đêm đàn vịt 1.000 con đẻ được 850 trứng, tăng 70 - 100 trứng so với nuôi nhốt”.

Do giá vịt thịt và trứng năm nay tương đối cao, trung bình 1kg vịt thịt có giá khoảng 45 ngàn đồng và trứng vịt trắng có giá dao động từ 25 - 30 ngàn đồng/chục nên người nuôi rất phấn khởi. Đó cũng là nguyên nhân khiến số lượng tổng đàn gia cầm của toàn tỉnh liên tục tăng trong khoảng thời gian gần đây. Tuy việc tăng đàn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi, nhưng đây cũng là mối nguy lây lan dịch bệnh. Vì vậy, công tác giám sát, kiểm soát đàn vịt trong những thời điểm này là rất quan trọng.

Ông Võ Bé Hiền - Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh cho biết: “Chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với nhân viên thú y cơ sở để kiểm soát chặt đàn gia cầm của địa phương và các vùng lân cận di chuyển đến, đồng thời hướng dẫn cho các địa phương việc ghi chép sổ theo dõi để kiểm soát chặt việc tăng đàn, tiêm phòng, di chuyển đàn, hướng dẫn người nuôi tiêm phòng đầy đủ các chủng vắc xin phòng, chống các bệnh phổ biến như: bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, cúm A H5N1... Ngoài ra, chúng tôi còn mở rộng tuyên truyền sâu rộng về kiến thức nhận biết và phòng, chống cúm A H5N1 trong trường học, bước đầu nhận thấy nhiều phụ huynh và học sinh nâng cao hiểu biết và cảnh giác hơn với nhóm virut nguy hiểm này”.

Để đảm bảo việc kiểm soát chặt chẽ vấn đề dịch bệnh trên gia cầm, Chi cục thú y tỉnh cũng khuyến khích các hộ chăn nuôi gia cầm nên nuôi theo hướng an toàn sinh học. Với mô hình này, đàn gia cầm sẽ được nuôi cách ly hoàn toàn. Bên cạnh đó, công tác tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc xin được chủ động nên người nuôi hạn chế đến mức thấp nhất hao hụt do dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện tại các cơ quan thú y đang gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng dịch bệnh do những đàn vịt chạy đồng từ nơi khác chuyển đến.

Do đặc thù của nghề nuôi vịt chạy đồng là rày đây mai đó nên phần đông người nuôi vịt có tâm lý ngại khai báo với chính quyền sở tại. Bên cạnh đó, một số hộ nuôi nhỏ lẻ cũng có tâm lý e dè tiêm phòng dịch nên tỉnh cũng rất khó kiểm soát được tình hình dịch bệnh một cách triệt để. Vì vậy, để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm trong mùa lũ năm nay, cần có sự chung tay hơn nữa từ các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân để có thể hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do cúm gia cầm gây ra.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn