Huyện Lấp Vò tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững
Cập nhật ngày: 13/02/2025 05:17:32
![http://baodongthap.com.vn/database/video/20250213051845dt2-6.mp3](http://baodongthap.com.vn/database/video/imagesv.jpg)
ĐTO - Nhằm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo đúng định hướng, huyện Lấp Vò đề ra mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tăng tỷ trọng những ngành hàng có giá trị, đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ; chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đồng thời, lấy nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm nền tảng để phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với cộng đồng; chuyên môn hóa nông dân, nâng cao thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn và bảo vệ môi trường sinh thái...
![](/database/image/2025/02/13/dt2-6a.jpg)
Thành viên Hợp tác xã Giống nông nghiệp Định An (ấp An Lạc, xã Định An, huyện Lấp Vò) luôn chú trọng phát triển sản xuất lúa giống phục vụ tốt nhu cầu thị trường
Sản xuất theo hướng an toàn, tập trung
Trong năm 2025, huyện Lấp Vò tiếp tục triển khai thực hiện cánh đồng liên kết sản xuất lúa gắn với tiêu thụ trong các vụ đông xuân, hè thu và thu đông với diện tích 5.750ha. Cùng với đó, duy trì mô hình sản xuất lúa chất lượng cao kết hợp với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ, hướng dẫn các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán thực hiện đăng ký cấp mã số vùng trồng trên cây lúa với diện tích 4.970ha.
Đối với cây màu, huyện Lấp Vò tiếp tục đầu tư phát triển vùng sản xuất màu tập trung tại các xã ven sông Tiền, đặc biệt là vùng sản xuất màu trọng điểm 126ha ở xã Mỹ An Hưng A; triển khai các mô hình sản xuất theo hướng an toàn, tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; tuyên truyền vận động nông dân sản xuất lúa tại các vùng đất gò, đất gần các sông lớn chuyển đổi sang trồng cây màu để thích ứng với tình hình thời tiết nắng, nóng khô hạn; hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán thực hiện đăng ký cấp mã số vùng trồng trên cây màu với diện tích 122ha.
Huyện tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình sản xuất cây ăn trái theo hướng an toàn, VietGAP, nâng cao chất lượng, tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm đối với các loại cây ăn trái. Đồng thời duy trì mô hình vườn cây kiểu mẫu kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm...
Đối với cây hoa kiểng, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán nông dân duy trì và mở rộng diện tích trồng hoa kiểng; tiếp tục đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất cho các xã có diện tích trồng hoa kiểng tập trung như: Tân Khánh Trung, Long Hưng A; phối hợp thực hiện mô hình trồng giống hoa kiểng mới...
![](/database/image/2025/02/13/dt2-6b.jpg)
Huyện Lấp Vò tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái
Nâng cao chất lượng, giá trị nông sản
Huyện Lấp Vò tập trung phát triển một số sản phẩm nông sản chủ lực, trong đó khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào khâu xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, sơ chế, chế biến thành các sản phẩm có giá trị gia tăng, sản phẩm OCOP; nghiên cứu thực hiện thí điểm mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp; chọn đối tượng cây trồng và vùng sản xuất phù hợp để hỗ trợ triển khai thực hiện thí điểm chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đồng thời hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện sản xuất an toàn và ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Hợp tác xã giống nông nghiệp Định An, chia sẻ: “Thời gian qua, đơn vị xem việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lúa giống cho nông dân là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển bền vững của hợp tác xã. Việc liên kết này giúp giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho thành viên. Thời gian tới, đơn vị có giải pháp từng bước nâng cao kiến thức của người nông dân, giúp nông dân có cách nhìn hợp lý về thị trường; đồng thời liên kết với các viện, trường phát triển thêm nhiều giống lúa mới phục vụ tốt nhu cầu thị trường...”.
Ông Trần Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò, cho biết: “Huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh và nội dung kế hoạch thực hiện tái cơ cấu trên địa bàn huyện. Cùng với đó, chủ động thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ khoa học, cơ giới hóa vào sản xuất; triển khai thực hiện một số mô hình sản xuất trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với chứng nhận chất lượng nông sản, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và công nghiệp chế biến, bảo quản theo chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực. Đồng thời tập trung nâng cao chất lượng, giá trị nông sản và gắn kết với tiêu thụ, thực hiện một số nhiệm vụ như: chuyển giao, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí trong sản xuất, sản xuất nông sản theo hướng liên kết, an toàn, hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã đăng ký mã vùng trồng...”.
Nhật Nam