Khoa học công nghệ, “chìa khóa” để tái cơ cấu nông nghiệp thành công
Cập nhật ngày: 01/06/2017 06:17:44
ĐTO - Sau gần 4 năm bắt tay thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nền kinh tế mũi nhọn của Đồng Tháp bắt đầu có tín hiệu khởi sắc, các ngành hàng chủ lực đang dần phát triển theo chiều sâu và khẳng định được vị thế trên thị trường. Đạt được kết quả đó không thể không nhắc đến sự tận tâm, cống hiến hết mình của đội ngũ các nhà khoa học dành cho nông nghiệp Đồng Tháp.
Nhiều giải pháp và mô hình hay trong sản xuất lúa được Gs. Ts. Võ Tòng Xuân chia sẻ với nông dân Đồng Tháp
Nông dân Đồng Tháp được nhà khoa học “truyền lửa” đam mê
Với diện tích trồng lúa mỗi năm trên 500 ngàn ha, Đồng Tháp là một trong những tỉnh nằm trong top đầu về sản xuất lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện chuỗi ngành hàng lúa gạo, Đồng Tháp phải đối mặt với khó khăn là tìm giải pháp nào để giảm giá thành sản xuất.
Là một trong những nhà khoa học hàng đầu Việt Nam về cây lúa, GS. TS Võ Tòng Xuân đã đưa ra nhiều giải pháp giúp Đồng Tháp phát triển ngành hàng lúa gạo theo hướng hiện đại. Nổi bật nhất là mô hình “Giảm giá thành trong sản xuất lúa” được thực hiện vào năm 2015 tại Hợp tác xã (HTX) An Phong, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười. Với mô hình này, nông dân được hướng dẫn sản xuất lúa theo qui trình “1 phải – 5 giảm”, giảm lượng giống gieo sạ, áp dụng biện pháp bón lót, cày vùi phân vào đất nhằm hạn chế tình trạng phân bón bị thất thoát. Nhờ ứng dụng những kỹ thuật mới, mô hình đã giúp nông dân giảm giá thành sản xuất hơn 600 đồng/kg so với cách sản xuất lúa thông thường. Từ 20ha đầu tiên của mô hình, đến nay mô hình này đã được nhân rộng trên 2.000ha ở huyện Tháp Mười và được nông dân ở nhiều huyện, thị mở rộng qui mô ứng dụng.
Khoa học kỹ thuật được ứng dụng hiệu quả trên đồng ruộng giúp nông dân giảm giá thành , tăng lợi nhuận sản xuất
Ông Dương Văn Hải - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp An Phong, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười tâm đắc: “Bà con nông dân ở đây rất phấn khởi với hiệu quả mà mô hình mang lại. Nhờ sự “truyền lửa” từ thầy Võ Tòng Xuân, nông dân có thêm nhiều kiến thức, làm chủ khoa học kỹ thuật, từ đó niềm đam mê được nung nấu và quyết tâm gắn bó hơn với đồng ruộng”.
Ngoài mô hình giảm giá thành trong sản xuất lúa, GS. TS Võ Tòng Xuân còn tư vấn nhiều giải pháp, mô hình hay giúp sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhờ tư vấn của thầy, lãnh đạo tỉnh đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, góp phần đẩy mạnh tiến độ thực hiện của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp.
Cũng giống như ngành hàng lúa gạo, khi bắt tay vào triển khai chuỗi giá trị thì ngành hàng xoài bộc lộ nhiều yếu kém trong công tác tổ chức sản xuất. Nhằm giúp cho Đồng Tháp tháo gỡ khó khăn, năm 2015 TS.Trần Văn Hâu - Giảng viên Trường Đại học Cần Thơ đã thực hiện mô hình rải vụ xoài quy mô 100ha trên hai vùng chuyên canh lớn là TP.Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh. Mô hình bước đầu giúp nông dân điều tiết được lịch thời vụ, hạn chế tình trạng bị động về thị trường và là nền tảng tạo thành chuỗi ngành hàng xoài phát triển bền vững, giúp người nông dân gắn kết với doanh nghiệp tiêu thụ.
Xoài được tiêu thụ dễ dàng nhờ áp dụng sản xuất theo quy trình an toàn, VietGAP. Ảnh: M.LÝ
Cùng chung lý tưởng với GS. TS Võ Tòng Xuân, TS.Trần Văn Hâu, TS.Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam là cái tên thân thương mà nhiều nhà vườn ở Đồng Tháp nói riêng và nông dân cả nước nói chung mến mộ. Hiện tại, TS. Võ Mai đang hỗ trợ nhiều nhà vườn ở Đồng Tháp trong việc tổ chức lại sản xuất, sản xuất trái cây theo hướng VietGAP tiến tới được cấp giấy chứng nhận, hướng dẫn nông dân xây dựng chuỗi giá trị theo định hướng khép kín từ vườn đến bàn ăn.
Ông Lê Văn Tâm - Chủ tịch HLV Đồng Tháp cho biết: “Thời gian qua, nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của cô Mai mà nhiều diện tích cây ăn trái của tỉnh đã được sản xuất theo quy trình an toàn và VietGAP. Thông qua các buổi tập huấn, những kiến thức về thị trường, sản xuất được cô Mai “vun đầy” cho bà con nhà vườn, hiện tại, phần lớn hội viên của HLV đều nhận thức rất sâu sắc về sự cần thiết của sản xuất trái cây sạch, từ đó nhiều nhà vườn bắt đầu thay đổi tư duy nhanh nhạy hơn trong việc quảng bá, xúc tiến cho nông sản của mình”.
Khoa học công nghệ “chìa khóa” đánh thức tiềm năng xanh
Xác định khoa học công nghệ (KHCN) là nền tảng để nông nghiệp Đồng Tháp phát triển, những năm qua, bên cạnh những mô hình điểm được nhà khoa học chuyển giao, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều mô hình và giải pháp đồng bộ trên các ngành hàng chủ lực. Các chương trình về sản xuất lúa theo mô hình “3 giảm 3 tăng”, mô hình sản xuất lúa giảm giá thành kết hợp với bón phân thông minh, mô hình trồng lúa hữu cơ... Ở ngành hàng hoa kiểng, việc Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở TP.Sa Đéc đi vào hoạt động đã tạo ra một bước tiến mới cho nền sản xuất hoa kiểng ở Đồng Tháp.
Nhờ ứng dụng KHCN trong việc nuôi cấy mô, nhân giống hiện đại, nhiều giống hoa mới đã được chuyển giao cho nông dân.
Xem KHCN là thành tố quan trọng tạo nên sức bật cho nền kinh tế nông nghiệp, thời gian qua, với vai trò của mình, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp đã có những tham mưu kịp thời cho lãnh đạo tỉnh cũng như phối hợp hiệu quả với các hội thành viên trong việc mời nhà khoa học có chuyên môn đến tập huấn sản xuất cho nông dân.
Trong thời gian tới, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu, trường đại học nghiên cứu đề xuất hoặc nhận đặt hàng của lãnh đạo tỉnh, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học giải quyết các vấn đề bức xúc xuất phát từ nhu cầu của các ngành, của địa phương, trọng tâm là lĩnh vực nông nghiệp, nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Ông Nguyễn Thành Tài - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, những năm qua, tỉnh Đồng Tháp nhận được sự đồng hành và được sự giúp đỡ nhiệt tình của nhiều nhà khoa học từ các viện, trường. Nhà khoa học đã giúp nông dân tổ chức lại sản xuất một cách hiệu quả, từ đó tạo nền tảng để tỉnh thu hút đầu tư hiệu quả ở lĩnh vực nông nghiệp. Hiện tại, tỉnh thu hút nhiều chương trình hợp tác của Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... trong nhiều lĩnh vực như: lai tạo giống mới, trồng xoài hữu cơ, chăn nuôi heo công nghệ cao, chuyển giao công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch... hứa hẹn đây sẽ là những đột phá mới giúp nông nghiệp tỉnh nhà tiến bước”.
Chia sẻ về giải pháp thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp trong những giai đoạn tiếp theo, TS.Võ Mai cho rằng, ngoài cây lúa thì Đồng Tháp còn một thế mạnh là phát triển cây ăn trái. Do đó, thay vì tập trung mọi chính sách dành cho cây lúa như trước đây, tỉnh cần nghiên cứu giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng gay gắt, nguồn tài nguyên nước ngọt không còn dồi dào thì trồng lúa nước sẽ trở thành áp lực, vì vậy ngành nông nghiệp tỉnh cần nghiên cứu các nhóm cây trồng chịu được hạn – mặn để chuyển giao cho nông dân trong tương lai. Bên cạnh đó, khi đã xây dựng được những ngành hàng thế mạnh thì ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, kết hợp công nghệ chế biến hiện đại là giải pháp cần thiết giúp người dân đa dạng được hàng hóa của mình, từ đó không còn bị lệ thuộc vào thị trường. Sau cùng là tỉnh cần có một đội ngũ xúc tiến thương mại, ngoài việc nghiên cứu thu hút doanh nghiệp trong nước thì định hướng phát triển thị trường ở thế giới cũng cần được quan tâm nhiều hơn.
Mỹ Lý