Mô hình trồng dưa lê xen lúa ở Lai Vung khó khăn ban đầu
Cập nhật ngày: 22/07/2013 04:06:14
Nhằm tận dụng diện tích đất và thời gian nông nhàn, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất, vừa qua, UBND thị trấn Lai Vung đã thông qua mô hình trồng xen canh cây dưa lê giữa hai vụ lúa, đồng thời tổ chức cho nông dân trên địa bàn đi tham quan, học tập mô hình trồng dưa lê tại tỉnh Tiền Giang.
Bước đầu thực hiện mô hình trồng cây dưa lê có diện tích hơn 8ha, thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch từ 60-65 ngày. Vựa trái cây Hồng Quế (Tiền Giang) là đơn vị trực tiếp thực hiện dự án trồng dưa lê tại khóm 3, thị trấn Lai Vung.
Theo thỏa thuận trong hợp đồng, vựa trái cây Hồng Quế sẽ chịu trách nhiệm cung ứng tiền vốn ban đầu 50% cho nông dân (1ha công ty hỗ trợ 5 triệu đồng), ngoài ra công ty còn cung cấp: giống, phân bón, kỹ thuật, đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân theo giá thị trường. Cụ thể, dưa lê loại 1 có giá 9.000 đồng/kg, loại 2: 8.000 đồng/kg, loại 3: 3.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, trong vụ đầu thực hiện hiệu quả kinh tế không cao. Anh Lê Hữu Phước ngụ ở khóm 3, thị trấn Lai Vung trồng 4ha dưa lê cho biết: Vụ dưa lê vừa qua, gia đình bị thua lỗ trên 70 triệu đồng. Nguyên nhân là do thiếu kỹ thuật gieo trồng; chưa nắm rõ cách chăm bón, kỹ thuật trồng cây nghịch mùa; bị nhiều loại sâu hại như nhện gié, kháng thư... tấn công.
Ngoài ra, yếu tố thời tiết không thuận lợi cũng ảnh hưởng rất nhiều tới mùa vụ, vì mưa nhiều sẽ làm cho cây bị úng và gây nứt trái. Cây dưa lê chỉ thích hợp trồng ở các vùng đất có chân ruộng cao, dạng đất cát pha. Chính vì thế, với hơn 8ha trồng dưa lê, người nông dân trên địa bàn thị trấn Lai Vung bị thua lỗ hơn 210 triệu đồng.
Ông Huỳnh Văn Tồn - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Phòng NN&PTNT) huyện Lai Vung cho biết: Huyện đã chủ trương xây dựng cánh đồng rau trên địa bàn thị trấn Lai Vung, đầu tư xây dựng hạ tầng nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân canh tác. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại từ cây dưa lê trong mùa vụ vừa qua là không cao. Trong thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ giúp đỡ nông dân để sản xuất cây dưa lê có hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, yêu cầu các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm hỗ trợ cho người nông dân nhiều hơn trong quá trình sản xuất, tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây dưa lê. Ngoài ra, doanh nghiệp bao tiêu cần đầu tư thêm vốn cho nông dân để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất cây trồng, nhằm đưa cây dưa lê trở thành cây trồng chính mang lại thu nhập cao, giúp cải thiện cuộc sống và góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân tại địa phương.
Nhật Khánh