Ngành nông nghiệp chủ động đề ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, thực chất hơn
Cập nhật ngày: 01/08/2024 13:53:22
ĐTO - Với sự chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, 6 tháng đầu năm 2024, ngành nông nghiệp đã khắc phục những khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Sản xuất cá tra đang trên đà phục hồi
6 tháng đầu năm 2024, giá cả các mặt hàng nông sản (lúa, sầu riêng) tăng cao, góp phần không nhỏ vào ổn định đời sống cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của tỉnh đạt 22.580 tỷ đồng, tăng 2,82% so với cùng kỳ năm 2023. Ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các địa phương chỉ đạo chặt chẽ mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bố trí cơ cấu giống phù hợp với diễn biến thời tiết và tín hiệu của thị trường; tăng cường kiểm soát dịch bệnh nên năng suất và sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi chủ yếu của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch được giao.
Cụ thể, diện tích lúa gieo trồng vụ đông xuân năm 2023 - 2024 đạt 188.886ha, năng suất bình quân 7,3 tấn/ha, giá bán cao hơn cùng kỳ từ 1.800 - 3.500 đồng/kg, lợi nhuận tăng khoảng 14,9 triệu đồng/ha; chăn nuôi tăng trưởng tốt, việc tiêu thụ được bảo đảm, lợi nhuận chăn nuôi trâu, gà và vịt tăng so với cùng kỳ nhờ giá bán tăng; hoạt động nuôi trồng thủy sản duy trì phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, một số cơ sở tiếp tục phát triển nuôi trồng các loài thủy sản đặc sản.
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được triển khai rộng khắp, thực chất. Đến nay, toàn tỉnh có 115/115 xã đạt chuẩn NTM, 38 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 3 thành phố đều hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 3 huyện đạt chuẩn NTM (Tháp Mười, Cao Lãnh, Châu Thành). Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm thực hiện, đến nay đã có 453 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Toàn tỉnh hiện có 937 tổ hợp tác, 243 hợp tác xã (219 hợp tác xã đang hoạt động), 40 trang trại và 148 Hội quán. Một số công tác khác như: cải cách hành chính và chuyển đổi số, khuyến nông, xúc tiến thương mại... cũng được ngành nông nghiệp đẩy mạnh thực hiện, đảm bảo yêu cầu phục vụ sản xuất.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp vẫn luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: hạn hán, dịch bệnh đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng, năng suất của các loại cây trồng và vật nuôi; các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất chưa thật sự ổn định, hiệu quả; việc thu hút đầu tư nông nghiệp còn hạn chế...
Thu hoạch lúa ở huyện Tháp Mười
6 tháng cuối năm, ngành nông nghiệp đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm gồm: hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất cả năm đạt 31.327 tỷ đồng như kế hoạch đã đề ra; tập trung cơ cấu lại ngành chăn nuôi, tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy tái đàn theo hướng bền vững, gắn liên kết sản xuất - tiêu thụ; phát triển đối tượng nuôi thế mạnh - cá tra gắn phát triển sản phẩm OCOP phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; tổ chức lại sản xuất gắn với phát triển các mô hình Hội quán, tổ hợp tác, hợp tác xã để xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất; triển khai đầu tư Hệ thống nền tảng số về nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp; xây dựng Đề án “Xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”...
Tại hội nghị trực tuyến sơ kết hoạt động phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện 6 tháng cuối năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện đánh giá cao kết quả ngành nông nghiệp đã đạt được trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, ngành nông nghiệp không nên bằng lòng với kết quả đã đạt được mà cần chủ động đề ra các giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ những tháng cuối năm hiệu quả, thực chất hơn.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm được các địa phương, doanh nghiệp quan tâm thực hiện
Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, ngành nông nghiệp bám sát kế hoạch triển khai hiệu quả nhiệm vụ trong thời gian tới. Trong đó, tập trung thực hiện các mô hình của Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao; chủ động các giải pháp phòng, chống thiên tai, đảm bảo các điều kiện hỗ trợ kịp thời khi có sự cố bất ngờ xảy ra; triển khai và hướng dẫn các đơn vị thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu sản xuất theo xu hướng thị trường; rà soát cơ chế đầu tư, vận hành trạm bơm điện trên phạm vi toàn tỉnh, đảm bảo việc khai thác hiệu quả, đúng quy định.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện cũng lưu ý các địa phương có diện tích nuôi cá lồng bè trên sông quan tâm, rà soát lại số lượng lồng bè thả nuôi, không để phát sinh thêm tình trạng phát triển lồng bè ngoài quy hoạch, hạn chế ô nhiễm nguồn nước do xả thải trong chăn nuôi, tác động xấu đến nguồn nước sử dụng của các địa phương khu vực cuối nguồn. Các địa phương được giao vốn triển khai các mô hình, dự án sản xuất phải đảm bảo thực hiện hiệu quả theo kế hoạch đề ra, trường hợp không thực hiện được theo kế hoạch sẽ xem xét điều chuyển vốn cho các dự án khác và không ưu tiên vốn cho giai đoạn tiếp theo...
Mỹ Nhân