Phòng, chống sâu bệnh gây hại lúa
Cập nhật ngày: 08/03/2018 15:00:57
ĐTO - Hiện nay, vụ lúa đông xuân 2017 - 2018 xuất hiện rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn, đặc biệt là muỗi hành gây hại nặng trên nhiều diện tích, tập trung ở các huyện: Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình và Tháp Mười.
Nông dân phải thăm đồng thường xuyên để nắm rõ diễn biến của muỗi hành
Để bảo vệ tốt vụ lúa đông xuân 2017 - 2018 và hè thu năm 2018, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với địa phương hướng dẫn nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng gây hại chính trên lúa. Đặc biệt là các đối tượng muỗi hành, rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá.
Phối hợp với Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam, các Viện, Trường tổ chức tọa đàm trực tiếp trên Đài truyền hình Đồng tháp về kỹ thuật canh tác, các giải pháp quản lý các đối tượng như muỗi hành, rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá.
UBND các huyện, thị xã, thành phố củng cố Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tại các địa phương, theo dõi và kiểm soát chặt chẽ tình hình sản xuất và dịch hại trên các trà lúa đông xuân 2017 - 2018 và tình hình xuống giống lúa hè thu năm 2018 để có chỉ đạo kịp thời.
UBND cấp huyện chỉ đạo phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, phòng kinh tế, UBND các xã, phường, thị trấn hướng dẫn nông dân thực hiện tốt việc vệ sinh đồng ruộng, cày ải, phơi đất ngay sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2017 - 2018 để tiêu diệt các mầm bệnh trên đồng ruộng, đồng thời giảm nguy cơ bị ngộ độc hữu cơ.
Xây dựng và chỉ đạo bố trí lịch thời vụ theo hướng xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy trên từng khu vực, từng cánh đồng, không xuống giống kéo dài, không để trên cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa, bảo đảm thời gian cách ly giữa vụ đông xuân 2017 - 2018 và hè thu 2018 tối thiểu 3 tuần.
Thành Nguyễn