Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định
Cập nhật ngày: 26/10/2023 09:58:18
ĐTO - Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), tình hình sản xuất nông - lâm - thủy sản 9 tháng đầu năm 2023 tiếp tục phát triển ổn định, nông sản được tiêu thụ thuận lợi, nhiều mô hình sản xuất tiên tiến được nhân rộng. Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản ước đạt 38.132 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022 (tương ứng tăng 1.115 tỷ đồng), đạt 77,61% so với kế hoạch năm 2023.
Nông dân chăm sóc vườn quýt hồng ở huyện Lai Vung
Theo đó, lĩnh vực trồng trọt tăng trưởng khá tốt, giá trị sản xuất ước đạt 23.111 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 77,6% kế hoạch. Do diện tích sản xuất tăng, thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán khá cao nên ngành hàng lúa gạo tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất ước đạt 12.767 tỷ đồng, tăng 3,6% (tương đương 440 tỷ đồng).
Hoa màu xuống giống tốt, diện tích sản xuất tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận một số nông sản chủ yếu (sen, khoai lang, bắp...) cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất ngành hàng ước đạt 2.714 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng tăng 343 tỷ đồng).
Diện tích canh tác hoa kiểng tiếp tục mở rộng thêm 33% so với cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất ngành hàng ước đạt 3.973 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2022 (tương ứng tăng 427 tỷ đồng). Riêng diện tích trồng cây ăn trái tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên lợi nhuận một số trái cây chủ lực: xoài, nhãn, chanh, quýt... giảm so với cùng kỳ do giá thành sản xuất tăng, trong khi giá bán chưa cao, tính chung giá trị sản xuất ngành hàng này ước đạt 3.656 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo thống kê, tổng đàn gia súc, gia cầm tăng trưởng khá tốt (ngoại trừ đàn trâu). Tổng sản lượng thịt hơi xuất bán tăng 9,56% so cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi ước đạt 2.065 tỷ đồng, tăng 11,3% so cùng kỳ năm 2022, đạt 72,2% kế hoạch.
Những tháng đầu năm, diện tích thả nuôi thủy sản ước đạt 5.800ha, giảm 5,74% so với cùng kỳ, sản lượng thu hoạch ước đạt 471.300 tấn, tăng 3,49% so cùng kỳ năm 2022. Riêng sản lượng cá tra giảm 5,6%. Giá trị sản xuất ngành hàng thủy sản ước đạt 10.240 tỷ đồng, giảm 4,4% so cùng kỳ năm 2022, đạt 75,9% kế hoạch, trong đó, ngành hàng cá tra đóng góp 60,5%. Toàn tỉnh hiện nay có 377 cơ sở nuôi cá tra được cấp mã số nhận diện với diện tích 1.624ha mặt nước, trong đó, có 80 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với diện tích 670,4ha; 38 cơ sở áp dụng và được chứng nhận các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, ASC, BAP với diện tích 242,4ha.
Hiện nay, các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng đa dạng về mẫu mã, bao bì, chất lượng từng bước được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 357 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 - 5 sao. Trong đó, có 275 sản phẩm đạt 3 sao, 81 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao. Có 3 sản phẩm đang được đề nghị công nhận đạt hạng 5 sao. Hiện đang có 212 sản phẩm đề nghị xét công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP (63 sản phẩm đánh giá lại, 3 sản phẩm nâng hạng, 146 sản phẩm mới).
Trong 9 tháng năm 2023, có thêm 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và 8 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Tính đến nay, toàn tỉnh có 109 xã đạt chuẩn NTM (đạt 94,78%) và 18 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 3 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới (TP Sa Đéc, TP Cao Lãnh và TP Hồng Ngự), 2 huyện đạt chuẩn NTM (huyện Tháp Mười và huyện Cao Lãnh).
Hướng đến hát huy giá trị sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả gắn với kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh có khả năng nhân rộng như: mô hình giảm giá thành sản xuất lúa; giảm lượng hạt giống gieo sạ và nâng cao tỷ lệ sử dụng giống xác nhận; canh tác xoài rải vụ thu hoạch đủ điều kiện sản xuất an toàn; xây dựng nhân rộng mô hình liên kết, cơ giới hóa sản xuất lúa giống gắn với truy xuất nguồn gốc 100ha; dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ; dự án xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch theo chuỗi giá trị...
Y DU