Các chế tài xử lý vi phạm của người nghiện ma túy sẽ nghiêm khắc hơn
Cập nhật ngày: 17/10/2021 06:23:41
ĐTO - Cử tri tỉnh Đồng Tháp có ý kiến đề nghị xem xét, sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy theo hướng cần có chế tài xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng ma túy trái phép nhiều lần, đã cai nghiện nhưng vẫn tiếp tục tái nghiện; không tự giác khai báo; trốn tránh chấp hành quyết định cai nghiện; tổ chức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy; các hành vi chống đối người thi hành công vụ, gây rối an ninh, trật tự, phá hoại tài sản của cá nhân và Nhà nước tại cơ sở cai nghiện để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Những vấn đề trên, Bộ Công an trả lời như sau: Hành vi của người sử dụng trái phép chất ma túy mà tổ chức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy; chống người thi hành công vụ; gây rối an ninh, trật tự; phá hoại tài sản của cá nhân và Nhà nước tại cơ sở cai nghiện tùy tính chất, mức độ, hậu quả... có thể bị xử lý hành chính hoặc bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành về các tội danh tương ứng như tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 256), tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 257), tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 258), tội chống người thi hành công vụ (Điều 330), tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318), tội hủy hoại tài sản (Điều 178)...
Riêng chế tài xử lý hình sự hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trước đây được quy định tại Điều 199 Bộ luật Hình sự năm 1999 (tội sử dụng trái phép chất ma túy), tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) không còn quy định tội danh này. Vì vậy, hiện nay việc xử lý người sử dụng trái phép chất ma túy và các hành vi liên quan như: sử dụng ma túy trái phép nhiều lần, đã cai nghiện nhưng vẫn tiếp tục tái nghiện, không tự giác khai báo, trốn tránh chấp hành quyết định cai nghiện... áp dụng theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính, không thể hình sự hóa.
Vừa qua, Bộ Công an đã phối hợp các bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) ngày 30/3/2021, trong đó bổ sung Chương IV “Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy”, đồng thời sửa đổi toàn diện Chương V “Cai nghiện ma túy” và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13/11/2020. Các Luật này khi có hiệu lực cùng với quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành sẽ góp phần cụ thể hóa các chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy theo hướng răn đe nghiêm khắc hơn, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.
T.T