Cần giải quyết dứt điểm khiếu nại để thông thương kênh Giáo Giáp
Cập nhật ngày: 26/01/2015 13:31:10
Theo phản ánh của một số người dân, nhiều tháng qua gia đình ông Nguyễn Văn Cứng ở ấp 2, xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười đã san lấp và rào chắn ngang kênh Giáo Giáp gây ảnh hưởng việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.
Gia đình ông Nguyễn Văn Cứng rào chắn kênh Giáo Giáp nên người dân không lưu thông được
Trao đổi với chúng tôi về vụ việc trên, bà Nguyễn Thị Chúc - vợ ông Cứng cho biết, vào năm 1986 gia đình bà có đứng tên mua lại của bà Thái Thị Tư (hiện ngụ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) một thửa đất, diện tích 21.000m2 (ngang 30m, dài 700m), đất tọa lạc tại ấp 1, xã Hưng Thạnh. Đồng thời, ông Nguyễn Văn Cứng (chồng bà) cũng đứng tên mua một phần đất khác có diện tích hơn 44.600m2, vị trí giáp đất của bà Chúc, nay thuộc ấp 2, xã Thạnh Lợi. Phần đất này, đến năm 1991 ông Cứng sang nhượng cho người khác hơn 22.000m2, còn lại 23.150m2.
Đến năm 1992, huyện Tháp Mười thực hiện chủ trương múc kênh Giáo Giáp để xả phèn nhằm khai thác đất ở khu vực Cây Vong - Giáo Giáp thì phần đất của bà Nguyễn Thị Chúc rơi vào vị trí thi công con kênh. Khi đó, vợ chồng ông Cứng - bà Chúc ngăn cản việc thi công, yêu cầu được hỗ trợ, bồi thường, cán bộ địa chính xã Hưng Thạnh vận động ông Cứng cho thi công kênh, sau này sẽ giải quyết hỗ trợ thỏa đáng cho gia đình.
Bà Nguyễn Thị Chúc nói: “Khi kênh Giáo Giáp thi công, các hộ dân khác chỉ bị cắt ngang một ít phần đuôi đất nên họ không đòi hỗ trợ. Do phần đất của tôi nằm xuôi theo kênh nên tôi bị mất toàn bộ đất khi thi công kênh Giáo Giáp nên yêu cầu được hỗ trợ bồi thường”.
Ngoài toàn bộ phần đất của bà Chúc bị mất, gần 12.000m2 /23.150m2 đất lúa của ông Nguyễn Văn Cứng cũng bị ảnh hưởng, vì khi thi công kênh Giáo Giáp, đất được múc từ dưới kênh đổ lên phần đất ruộng của ông Cứng, trở thành đất đê bao nên gia đình ông không thể làm lúa được. Vì cuộc sống khó khăn nên vợ chồng ông Cứng - bà Chúc nhiều lần gửi đơn đến các ngành chức năng của huyện Tháp Mười yêu cầu hỗ trợ, bồi thường đất cho gia đình. Qua đó, UBND xã Thạnh Lợi và ngành chức năng huyện Tháp Mười đã nhiều lần tiếp xúc, đối thoại với gia đình ông Cứng nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết xong.
Để có đất sản xuất, gia đình ông Cứng đã thuê mướn Kôbe đào đất trên bờ lấp xuống kênh Giáo Giáp, đồng thời dùng cây và vật liệu làm rào chắn ngang con kênh. Vì bị gia đình ông Cứng bít đường thông thương, vận chuyển và ảnh hưởng đến đê bao sản xuất lúa nên người dân ở hai xã Thạnh Lợi và Hưng Thạnh rất bức xúc. Trong nhiều buổi tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần kiến nghị địa phương cần nhanh chóng giải quyết vụ việc khiếu nại của gia đình ông Cứng để kênh Giáo Giáp không còn bị rào chắn.
Ông Trần Công Thành - Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười cho biết: “Lãnh đạo huyện và xã đã nhiều lần tiếp xúc với gia đình ông Nguyễn Văn Cứng để giải quyết vụ việc nhưng các phương án hỗ trợ đã không được gia đình ông Cứng thống nhất. Trong cuộc họp dân mới đây, những hộ dân có đất nằm trong đê bao liên quan đến đất của ông Cứng đồng ý góp kinh phí trả tiền đất cho ông Cứng nhưng ông không thống nhất”.
Theo ông Trần Công Thành, qua tiếp xúc chủ Trạm bơm Thạnh Lợi và người dân có đất trong ô bao sản xuất lúa ở ấp 2, xã Thạnh Lợi, tất cả đều đồng ý trả cho gia đình ông Cứng 40 triệu đồng/1.000m2 đất bờ bao, tương ứng 480 triệu đồng/12.000m2 bị thiệt hại do thi công kênh Giáo Giáp để ổn định đê bao sản xuất lúa (Trạm bơm hỗ trợ 25% chi phí và người dân đóng góp 75% chi phí hỗ trợ). Tuy đồng ý với mức giá trên nhưng do ông Nguyễn Văn Cứng đề nghị, sau khi giao đất ông được sử dụng phần trên đê bao để trồng cây nên người dân không thống nhất.
Đối với phần đất 21.000m2 của bà Nguyễn Thị Chúc, sau khi xã Hưng Thạnh tách ra thành hai xã Thạnh Lợi và Hưng Thạnh vào năm 1997 thì đất của bà thuộc ấp 1, xã Hưng Thạnh. Bà Chúc đã gửi đơn đến UBND xã Hưng Thạnh và huyện Tháp Mười nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết. Do chưa được giải quyết khiếu nại, gia đình ông Nguyễn Văn Cứng hiện vẫn tiếp tục san lấp và rào chắn kênh Giáo Giáp.
Thiết nghĩ, trước phản ánh của người dân, ngành chức năng huyện Tháp Mười cần giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu nại của gia đình ông Nguyễn Văn Cứng để kênh Giáo Giáp được khai thông, giúp cho việc vận chuyển nông sản của người dân dễ dàng, thuận tiện hơn.
Phú Thuận