Cảnh báo tội phạm đường phố và giải pháp phòng ngừa
Cập nhật ngày: 06/07/2025 05:22:41

ĐTO - Cuộc sống hiện đại mang đến nhiều tiện ích, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, trong đó có vấn đề “tội phạm đường phố”. Những vụ cướp giật, trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích đang diễn ra ngày càng tinh vi và táo tợn, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.
Tội phạm đường phố không phải là vấn đề mới, nhưng mức độ và thủ đoạn của chúng ngày càng trở nên phức tạp. Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đồng Tháp, “Tội phạm đường phố” là một khái niệm dùng để chỉ các hành vi phạm tội xảy ra nơi công cộng, đặc biệt là trên đường phố và những khu vực đông người, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, sức khỏe và tính mạng của người dân. Các loại “tội phạm đường phố” phổ biến là cướp, cướp giật tài sản, trộm cắp xe mô tô, móc túi, gây rối trật tự công cộng, đánh nhau dẫn đến cố ý gây thương tích, thậm chí là chết người...
Từ lời thách thức đánh nhau trên mạng xã hội, Võ Hoàng Quốc Hào (15 tuổi) ngụ TP Cao Lãnh (cũ) rủ thêm 8 đối tượng khác đi tìm Mai Lê Trường An (16 tuổi) ngụ huyện Tháp Mười (cũ) để giải quyết mâu thuẫn. Đến ngày 3/5/2025, nhóm Hào điều khiển 4 xe mô tô mang theo hung khí, bom xăng đến điểm hẹn tại cầu Đập Đá 2, thuộc xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh (cũ) nhưng không gặp An. Các đối tượng đã điều khiển xe mô tô đến địa phận TP Cao Lãnh, rảo quanh các tuyến đường nội ô để tìm nhóm Hào nhưng không gặp nên cả nhóm quay về.
Sau khi nghe tin nhóm Hào tìm mình, Mai Lê Trường An tập hợp 8 đối tượng mang theo hung khí để đánh nhau. Các đối tượng chạy qua nhiều tuyến đường, trên tay cầm hung khí, sẵn sàng gây chiến nhưng cũng không gặp nhóm Hào. Dù cả 2 nhóm đều không đạt mục đích và chưa để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng vụ việc đã gây hoang mang lo sợ cho người đi đường, gây mất an ninh, trật tự ở địa phương.
Phòng Cảnh sát hình sự đã khẩn trương vào cuộc, xác minh và mời 17 đối tượng có liên quan để làm rõ hành vi của từng đối tượng và cương quyết xử lý nghiêm để giáo dục, răn đe đối với 2 nhóm thanh thiếu niên này.
“Tội phạm đường phố” rất đa dạng về loại hình và thủ đoạn, không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý nạn nhân, gây cảm giác bất an, lo sợ, mất niềm tin vào xã hội. Về lâu dài, tội phạm này còn làm suy giảm chất lượng cuộc sống, cản trở sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Thượng tá Nguyễn Văn Khê - Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an Đồng Tháp cho biết: “Do ảnh hưởng của văn hóa phẩm độc hại và mạng xã hội, các nội dung bạo lực, phản cảm trên phim ảnh, trò chơi điện tử đã tác động hình thành tâm lý hiếu chiến sẵn sàng sử dụng bạo lực trong nhiều thanh thiếu niên. Đa phần, các đối tượng phạm tội đường phố thường có hoàn cảnh gia đình rất éo le như mồ côi cha mẹ hoặc cha mẹ thiếu thời gian quan tâm, giáo dục con em. Do bản thân người vi phạm thiếu hiểu biết về pháp luật, các thanh thiếu niên ở độ tuổi mới lớn thường có tâm lý thích thể hiện bản thân, thích nổi loạn, bốc đồng, dễ bị kích động hoặc bị rủ rê bởi bạn bè xấu”.
Như vụ việc gây rối trật tự công cộng xảy ra tại Khu dân cư ấp Long Phú, xã Hòa Long và tuyến dân cư Khóm 2, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung (cũ) do các thanh thiếu niên thực hiện. Do có mâu thuẫn từ trước, Lê Vĩnh Thanh (19 tuổi) cư trú xã Hòa Long cùng 4 đối tượng khác đến nhà Võ Hồng Vũ để gây sự. Thấy nhóm Thanh kéo đến, trên tay có cầm 3 dao tự chế nên Vũ, Nguyễn Thanh Tuấn cùng 2 người bạn đóng cửa trốn trong nhà và nhóm Thanh bỏ đi. Đến khuya 11/5/2025, Thanh và Mai Công Danh rủ hơn 30 đối tượng quay lại nhà Vũ mang theo nhiều dao tự chế, vỏ chai bia xông vào chặt phá cửa rào và ném vỏ chai vào trong nhà làm vợ của Vũ bị thương. Nhóm đối tượng tiếp tục chạy qua nhà của Nguyễn Thanh Tuấn gây rối. Thấy nhà Tuấn đóng cửa, nhóm thanh thiếu niên này đã đập phá cửa rào, cửa nhà và dùng gạch, đá ném vào nhà Tuấn và la lối, thách thức, khoảng 10 phút sau cả nhóm bỏ đi.
Để phòng, chống “tội phạm đường phố”, lực lượng Công an đã và đang nỗ lực giữ gìn bình yên cho từng con phố. Tuy nhiên, họ cũng đối mặt với không ít thách thức do các đối tượng hoạt động lưu động, manh động, thay đổi thủ đoạn liên tục. Để đẩy lùi vấn nạn “tội phạm đường phố”, cần bắt đầu từ sự cảnh giác của mỗi cá nhân, sự giáo dục con em của mỗi gia đình, sự đồng lòng của cộng đồng và sự quyết tâm của lực lượng chức năng.
Trung tá Võ Trường Giang - Trưởng Công an Phường 6 (nay thuộc phường Cao Lãnh) cho hay: “Địa bàn Phường 6 có nhiều nhà trọ, cơ sở lưu trú, do đó số lượng thanh thiếu niên tập trung sinh sống và lưu trú khá đông. Công an phường đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành nhiều nội dung chỉ đạo và kế hoạch để thực hiện, trong đó phát huy vai trò của thành viên Hội đồng bảo vệ an ninh trật tự của phường cũng như vai trò của Ban Nhân dân các khóm và Tổ trưởng các khóm trong công tác phối hợp phát hiện, xử lý các tình hình có liên quan đến thanh thiếu niên vi phạm pháp luật; nắm, đeo bám đối tượng và có biện pháp ngăn chặn, đấu tranh xử lý kịp thời đối với các hành vi có biểu hiện vi phạm pháp luật, nhất là số thanh thiếu niên trên địa bàn”.
Hiện nay, dù không còn tổ chức Công an cấp huyện nhưng các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh vẫn phối hợp chặt chẽ với Công an cấp xã nắm, bám sát địa bàn, quản lý chặt số thanh thiếu niên vi phạm pháp luật và có biểu hiện vi phạm pháp luật. Công an tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phối hợp chặt chẽ Công an các địa bàn giáp ranh để triển khai các phương án đấu tranh, phòng ngừa nhằm ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm hoạt động mang tính lưu động, tội phạm đường phố nhằm góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương.
Thanh Thảo