Cảnh giác tội phạm lợi dụng hình thức kinh doanh đa cấp để lừa đảo

Cập nhật ngày: 12/06/2015 13:23:56

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp xuất hiện một số công ty lợi dụng hình thức kinh doanh đa cấp để lừa đảo. Thủ đoạn của chúng là lợi dụng vào mối quan hệ quen biết, tiếp cận để lôi kéo người dân tham gia hội thảo nhằm phô trương hình thức kinh doanh, hứa hẹn được hưởng hoa hồng và trúng thưởng. Điển hình là Công ty cổ phần liên kết Minh Châu (gọi tắt là Công ty Minh Châu) có trụ sở tại phường Xuân La, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội. Công ty có giấy phép đăng ký kinh doanh là đa ngành nghề.


Đối tượng Nguyễn Hữu Phước v
à
 Nguyễn Đức Thanh

Theo kết quả điều tra của cơ quan Công an đầu tháng 1/2014, Thân Thị Oanh - Tổng giám đốc Công ty Minh Châu và Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Minh Châu đến địa bàn tỉnh Đồng Tháp móc nối với Nguyễn Hữu Phước, Lê Thị Út, Hà Thị Hồng Vân mở văn phòng đại diện tại phường 2, TP.Cao Lãnh.

 Do có mối quan hệ quen biết với nhiều người nên Phước và Út đã đứng ra mời gọi người dân tham dự hội thảo, với chương trình “Bừng sáng nông nghiệp Việt Nam”, giới thiệu giống lúa mới có tên là CXT30. Nhưng mục đích chính của các đối tượng này là nhằm tiếp cận, lôi kéo người dân tham gia chương trình ký hợp đồng thiết kế website với Công ty Minh Châu để được trúng xe mô tô. Ông Nguyễn Văn Tèo ngụ ấp 3, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh là người bị hại cho biết: “Tôi không biết Công ty Minh Châu, nhưng cô Út giới thiệu là kế toán Công ty Minh Châu ở địa phương của tôi nên mời tôi tham gia và đóng 6,8 triệu đồng sẽ là thành viên công ty. Công ty sẽ cấp cho 3kg lúa giống để gieo sạ 500m2, sau khi thu hoạch lúa, công ty sẽ cho mình chiếc xe Was RS. Đồng thời, công ty sẽ thu mua lúa lại với giá 18.000 đồng/kg, rồi lãnh được xe luôn, thấy vậy tôi mới vô”. Ngoài ra, chúng còn đưa ra chương trình hấp dẫn nếu mỗi người dân tham gia đứng ra giới thiệu thêm 8 người khác cùng đóng tiền tham gia thì được thưởng ngay 1 chiếc xe môtô, không cần chờ đến cuối vụ thu hoạch lúa. Nhưng thực tế, người đóng tiền tham gia thì nhiều còn người trúng thưởng xe thì chỉ có vài trường hợp.


Đối tượng Lê Thị Út và Thân Thị Oanh

Sau khi tiếp nhận đơn thư tố giác của nhiều người bị hại, thấy thiệt hại do Công ty Minh Châu gây ra cho người dân là không nhỏ, trên cơ sở các tài liệu chứng cứ thu thập được, ngày 16/7/2014 tại văn phòng đại diện Công ty Minh Châu thuộc phường 2, TP.Cao Lãnh, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh tiến hành lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Hà Thị Hồng Vân (SN 1970) ngụ phường Trung Thành, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vân là đối tượng hỗ trợ đắc lực cho Công ty Minh Châu mở chương trình thiết kế Website và trúng thưởng xe mô tô nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân.

Vụ việc tiếp tục chuyển giao cho Công an TP.Cao Lãnh điều tra theo thẩm quyền. Ngày 14 và 15/3/2015, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Cao Lãnh tiến hành lệnh bắt khẩn cấp 4 đối tượng còn lại gồm: Thân Thị Oanh (SN 1974) ngụ xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội (Tổng giám đốc Công ty Minh Châu), Nguyễn Đức Thanh (SN 1972) ngụ thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, TP.Hà Nội (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Minh Châu).

Nguyễn Hữu Phước (SN 1985) ngụ xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang là thành viên Công ty Minh Châu, vì hám lợi Nguyễn Hữu Phước đã lôi kéo nhiều người dân tham gia đóng tiền, thu lợi bất chính cho cá nhân.

Lê Thị Út (SN 1978) ngụ khóm Mỹ Thới, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh là thành viên Công ty Minh Châu nhưng tự xưng là kế toán của công ty nhằm tạo vỏ bọc để dễ dàng thuyết phục, lôi kéo những người quen biết tham gia.

Công ty hoạt động đã lừa đảo trên 44 hợp đồng thiết kế website, tổng số tiền thiệt hại trên 400 triệu đồng. Ngoài số tiền thiệt hại trên, hậu quả để lại còn gấp nhiều lần, bởi sau khi gieo sạ giống lúa CXT30, người dân phải tốn chi phí phân thuốc, công chăm sóc, đến khi thu hoạch do số lượng lúa ít đành chịu bán với giá rẻ, dẫn đến thua lỗ. Hiện vụ việc Công an TP.Cao Lãnh đã kết luận điều tra chuyển sang Viện kiểm sát nhân dân TP.Cao Lãnh để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Phương thức kinh doanh đa cấp đã được pháp luật thừa nhận theo Nghị định 42/2014 của Chính phủ, nhưng ở đây các đối tượng đã lợi dụng hình thức kinh doanh này để thực hiện hành vi lừa đảo nhằm thu lợi bất chính. Vì vậy, ngoài sự kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng, người dân cần cảnh giác với những thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, nếu phát hiện nghi vấn, cần báo ngay đến cơ quan Công an để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.

Đoàn Diểu

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn