Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần giảm việc vi phạm pháp luật

Cập nhật ngày: 10/08/2021 06:17:25

ĐTO - Để triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật” đến năm 2021, UBND tỉnh và Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2017-2021 và hằng năm.

Qua đó, việc thực hiện Đề án kịp thời, hiệu quả, sát với yêu cầu thực tế tại địa phương. Các đơn vị và địa phương đã chọn nội dung PBGDPL phù hợp với đối tượng tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật như: Luật Phòng, chống ma túy, Luật Nghĩa vụ quân sự, Bộ luật Hình sự (trong đó chú trọng các tội đánh bạc, tội tàng trữ trái phép chất ma túy...); pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; pháp luật về an toàn giao thông; Nghị định số 98 ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng, pháp luật về bảo vệ môi trường,...

Để xây dựng mô hình chỉ đạo điểm về tăng cường PBGDPL thuộc phạm vi Đề án, các ngành, các cấp đã chọn các đơn vị địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự để tổ chức thực hiện Đề án, chỉ đạo điểm nhằm góp phần chuyển hóa các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật, góp phần giảm tình trạng vi phạm pháp luật cũng như hoàn thành các tiêu chí về an ninh trật tự để được công nhận, chuyển hóa địa bàn.

Tỉnh đã tổ chức 34 lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho 3.500 lượt Báo cáo viên pháp luật tỉnh, huyện và Tuyên truyền viên pháp luật các các xã trọng điểm, các xã biên giới, cán bộ hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ. Từ đó, đảm bảo mục tiêu 100% cán bộ, công chức, viên chức thuộc hệ thống chính trị ở cơ sở và những người làm công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở tại địa bàn trọng điểm được cung cấp kiến thức pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL trên các lĩnh vực pháp luật liên quan.

Hình thức PBGDPL luôn thực hiện đổi mới đa dạng và phong phú như tổ chức tập huấn kỹ năng tuyên truyền, PBGDPL cho Tuyên truyền viên pháp luật và cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên của xã. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Luật gia tổ chức tuyên truyền PBGDPL và trợ giúp pháp lý cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân qua hình thức giao lưu câu hỏi tìm hiểu pháp luật có thưởng. Công tác tuyên truyền, PBGDPL, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người lao động, người sử dụng lao động tại các Khu công nghiệp, học sinh, sinh viên trong các trường THPT, cao đẳng, đại học và tổ chức hội thi bằng hình thức sân khấu hóa tại xã trọng điểm được quan tâm thực hiện. Qua đó, các đối tượng có thể vận dụng các kiến thức pháp luật vào thực tiễn lao động, học tập, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đưa pháp luật vào cuộc sống và từng bước nâng cao nhận thức về các quy định pháp luật.

Các cấp, các ngành đã biên soạn 5.000 cuốn “Sổ tay hỏi đáp pháp luật về trợ giúp pháp lý” và trên 406.000 tờ gấp hỏi đáp pháp luật với các nội dung như: phòng, chống ma túy; xây dựng; bảo vệ môi trường; an ninh mạng; an toàn thực phẩm; hợp đồng dân sự; pháp luật về tố cáo; quy chế dân chủ ở cơ sở; nuôi con nuôi; dân quân tự vệ; Luật Đất đai; chứng thực; hộ tịch; Nghị định số 98 ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng...

Tại các huyện, thành phố đã phối hợp xây dựng nhiều mô hình đảm bảo an ninh trật tự như: mô hình Câu lạc bộ nông dân với pháp luật, Phụ nữ với pháp luật. Đặc biệt, mô hình Tổ cảm hóa giáo dục, Câu lạc bộ người hoàn lương, mô hình ký kết đảm bảo an ninh trật tự giữa các địa bàn giáp ranh của các huyện đã góp phần quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng và mô hình móc khóa an ninh (trong móc khóa có ghi số điện thoại của Công an xã) để người dân có thể thông báo, tố giác kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật tại cộng đồng góp phần giữ vững an ninh, chính trị trật tự an toàn xã hội tại địa phương (huyện Lai Vung); mô hình “Xóm đạo bình yên” (TP Cao Lãnh) được sinh hoạt theo quý, nội dung tuyên truyền về an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống bạo lực gia đình, an toàn giao thông để góp phần giữ gìn an ninh trật tự, giảm tình trạng vi phạm pháp luật tại cộng đồng.

Kết quả việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án đã kịp thời tuyên truyền, phổ biến, cơ bản đầy đủ những nội dung pháp luật liên quan thiết thực đến các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh và đạt được mục tiêu của Bộ Tư pháp đề ra, trọng tâm là những nội dung pháp luật liên quan trực tiếp đến tình hình vi phạm pháp luật và tiếp tục kiềm chế, góp phần giảm từ 10 - 15% số người vi phạm pháp luật và số vụ việc vi phạm pháp luật tại địa bàn trọng điểm và đã góp phần hỗ trợ địa phương trọng điểm về vi phạm pháp luật được công nhận chuyển hóa được 30 xã, phường, thị trấn trọng điểm về vi phạm pháp luật.

NHẬT ANH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn