Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến đóng góp 2 dự thảo luật
Cập nhật ngày: 10/09/2015 14:31:33
Ngày 10/9/2015 Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND). Tham gia đóng góp ý kiến có Thường trực cùng Trưởng các Ban của HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở ban ngành tỉnh có liên quan và Thường trực HĐND cấp huyện.
Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Lê Thị Hồng Phượng phát biểu tham luận
góp ý dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Ông Nguyễn Hữu Đức – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị đã gợi ý một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau đối với 2 dự thảo luật để các đại biểu tham gia thảo luận. Tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Thơ - Chánh án Toà án nhân dân tỉnh có bài tham luận về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Ông Nguyễn Hữu Nhơn – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khoá XII và bà Lê Thị Hồng Phượng - Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã có bài tham luận góp ý về dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, ý kiến đại biểu thống nhất với quy định của dự thảo tại Điều 102 theo hướng quy định sự tham gia vào quan hệ dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân. Về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức (Điều 130), đại biểu thống nhất quy định nếu giao dịch không tuân thủ quy định về hình thức nhưng một bên hoặc các bên đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trong giao dịch thì giao dịch đó vẫn được Tòa án công nhận là có hiệu lực. Về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, theo đại biểu nên chọn phương án 1 là trong trường hợp các bên có thoả thuận về lãi suất thì lãi suất thoả thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp Luật các tổ chức tín dụng có quy định khác…
Về dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, các đại biểu cho rằng dự thảo có bước tiến bộ đã quy định nội dung giám sát của chủ thể là ĐBQH, Đoàn ĐBQH tương đối đầy đủ, toàn diện trên cả 2 mặt giám sát hình thức và nội dung, giám sát văn bản và giám sát thi hành pháp luật. Nội dung giám sát của ĐBQH thực hiện giám sát tối cao tại kỳ họp và giám sát tại địa phương giữa 2 kỳ họp nhưng thực tế ĐBQH không đơn phương thực hiện giám sát, mà chỉ tham gia với Đoàn ĐBQH hay các Ủy ban của Quốc hội. Do đó cần khắc phục sự hạn chế về quy định giám sát của chủ thể là Đoàn ĐBQH (có nhiều ĐBQH hợp thành) nhưng chưa phải là chủ thể quyền lực. Nội dung giám sát tuy có phong phú đầy đủ trên tất cả các mặt nhưng chủ thể giám sát không phải là chủ thể quyền lực giám sát thì sẽ bị hạn chế nhiều khi áp dụng trong thực tế…
Những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp để trình tại kỳ họp Quốc hội tới.
Thanh Trúc