Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến đóng góp 3 dự thảo Luật

Cập nhật ngày: 12/05/2015 13:51:35

Ngày 12/5/2015, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật tổ chức Chính phủ; Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND). Tham dự hội nghị có các vị ĐBQH tỉnh khoá XII và XIII; Thường trực HĐND, UBND và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và cấp huyện; đại diện lãnh đạo các sở ban ngành tỉnh có liên quan, cùng Hội Luật gia, Đoàn Luật sư.


Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị

Ông Nguyễn Hữu Đức – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh gợi ý một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau cần xin ý kiến của các đại biểu dự họp về 3 dự án luật nêu trên.

Về dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương, đa số ý kiến đại biểu đề nghị không nên quy định cấp xã chỉ có 1 Phó Chủ tịch UBND vì cấp cơ sở này công việc rất nhiều, nếu chỉ có 1 Phó Chủ tịch thì không thể đảm bảo giải quyết những công việc ở địa phương và hành chính cho người dân. Theo ý kiến đại biểu nên quy định cấp xã có 2 Phó Chủ tịch UBND là phù hợp thực tế công việc.

Về quy định số lượng thành viên UBND như dự thảo theo các đại biểu là quá nhiều, cụ thể như cấp tỉnh trong dự thảo quy định tăng số lượng không quá 27 thành viên (hiện nay là 9 thành viên) thì việc cơ cấu thành viên, triệu tập các cuộc họp, lấy ý kiến cũng như tổng hợp ý kiến các thành viên… sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhiều đại biểu đề nghị nên quy định khung số lượng thấp hơn; quy định mang tính nguyên tắc, giao cho Chủ tịch UBND trình HĐND cùng cấp quyết định.

Góp ý Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, về Điều 65 quy định những hành vi bị cấm khi vận động bầu cử, các đại biểu đề nghị cần quy định rõ nội dung cấm này được thực hiện trong khoảng thời gian bao lâu; đề nghị quy định rõ “không được lợi dụng uy tín, chức vụ, quyền hạn để tranh cử”; bổ sung cụm từ “hoặc dùng tiền của cá nhân mình để tài trợ hoặc làm từ thiện” tại khoản 3; về khoản 4 nên quy định “Không được sử dụng tiền, tài sản của tổ chức, cơ quan và cá nhân hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri với mọi hình thức”. Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị nên có quy định phân biệt rõ tiêu chuẩn ĐBQH kiêm nhiệm với ĐBQH chuyên trách theo hướng ĐBQH chuyên trách phải có kỹ năng, chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao hơn ĐBQH kiêm nhiệm.

Về Luật tổ chức Chính phủ, ý kiến đại biểu thống nhất với dự thảo Luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ. Ý kiến đại biểu đề nghị trong Chương V quy định về bộ, cơ quan ngang bộ nên quy định rõ số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ và các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ theo hướng giảm bớt số lượng so với hiện nay…  

Những ý kiến đóng góp của các đại biểu được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp để trình tại kỳ họp Quốc hội tới.

Thanh Trúc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn