Đóng góp ý kiến Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Kiểm toán nhà nước và dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)
Cập nhật ngày: 13/03/2015 13:49:30
Chiều ngày 10/3/2015, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi). Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, lãnh đạo UBND TP.Cao Lãnh và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh tham gia đóng góp ý kiến.
Đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đóng góp ý kiến tại hội nghị
Đối với Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi), các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến nội dung ở các Điều về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; chuẩn mực, nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của kiểm toán, đơn vị kiểm toán;... Trong đó, đóng góp ở Điều 4 của Luật, các đại biểu có ý kiến Luật cần quy định chủ thể rõ ràng; ở Điều 6 cần có thêm định nghĩa để quy định được chặt chẽ hơn. Đối với các quy định về kiểm toán viên nhà nước tại các Điều 24, 25 và 26, cần thay đổi cách dùng từ trong Luật đảm bảo tính toàn dân; Điều 49 cần quy định trách nhiệm, quyền hạn cụ thể đối với đơn vị kiểm toán và đơn vị được kiểm toán; Điều 73 về khiếu nại và giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết tố cáo, cần quy định thời gian khiếu nại kéo dài tối đa không quá 60 ngày so với 30 ngày như Luật đã nêu;...
Đối với Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), đa số các đại biểu đều thống nhất sự cần thiết việc phải ra đời của Luật lần này. Với hình thức thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS) tại ngũ quy định tại Điều 4 của Luật, các đại biểu đóng góp không cần quy định nghĩa vụ dân sự thay thế NVQS tại ngũ vì cho rằng việc đóng tiền hoặc lao động công ích là không có cơ sở pháp lý và làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của việc thực hiện NVQS. Ngoài ra, một số đại biểu đóng góp Luật cần quy định đảm bảo việc làm cho các thanh niên tham gia NVQS khi xuất ngũ; nên quy định độ tuổi thực hiện NVQS tối đa 27 tuổi; cần quy định việc tạm hoãn NVQS cho học viên đang học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp;...
Ngày 12/3/2015, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Ban Thường trực MTTQVN tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Tham dự hội nghị có các vị ĐBQH của tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự, các đại biểu nhất trí với quy định dự thảo bổ sung Điều 19 quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này Tòa án căn cứ vào tập quán (Điều 11), nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng (Điều 12) để xem xét, giải quyết.
Đối với hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức, ý kiến đại biểu thống nhất quy định Điều 145 của dự thảo vì phù hợp với thực tiễn ký kết, thực hiện hợp đồng ở nước ta; bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể xác lập quan hệ hợp đồng cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba; góp phần bảo đảm sự ổn định của quan hệ thị trường. Về hình thức sở hữu, ý kiến đại biểu nhất trí với quy định của dự thảo quy định 3 hình thức sở hữu, bao gồm sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung (Điều 213 và các điều từ Điều 224 đến Điều 247) bởi Điều 53 Hiến pháp đã quy định về sở hữu toàn dân nên Bộ luật Dân sự cần ghi nhận hình thức sở hữu này để phù hợp với Hiến pháp.
Đại biểu đóng góp ý kiến
Về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, ý kiến đại biểu nhất trí quy định của dự thảo tại Điều 491, theo đó trường hợp các bên có thoả thuận về lãi suất thì không được vượt quá 200% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thoả thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định ở khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Về dự thảo quy định chung về thời hiệu (Điều 167- Điều 180) và thời hiệu thừa kế (Điều 646), các đại biểu thống nhất quy định của dự thảo vì phù hợp với bản chất pháp lý của thời hiệu, tạo công cụ pháp lý tốt hơn để Toà án bảo vệ các quyền dân sự của tổ chức, cá nhân...
Ông Nguyễn Hữu Đức - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu, những ý kiến này sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp để trình tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 9 tới.
Trước đó, ngày 11/3/2015, Ủy ban MTTQVN tỉnh cũng đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các tổ chức thành viên MTTQ, các nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo tỉnh và 10 hộ dân tiêu biểu của TP.Cao Lãnh đóng góp ý kiến đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Đóng góp ý kiến cho Bộ luật Dân sự (sửa đổi), các đại biểu đề nghị hạn chế quyền lập hội vì không phù hợp với truyền thống của dân tộc; đối với Điều 19 quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng, đa số đại biểu đề nghị Bộ luật cần quy định này để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; về hình thức sở hữu cần có quy định về sở hữu toàn dân; về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, cần giữ nguyên quy định lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng, chứ không nên sửa đổi không vượt quá 200% như Điều 491 của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi); về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức cần tiếp tục duy trì quy định Bộ luật Dân sự hiện hành để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật...
P.Thuận- T.Trúc