Giới thiệu việc làm cho thanh niên để hạn chế nguy cơ vi phạm pháp luật
Cập nhật ngày: 10/05/2022 04:48:18
ĐTO - Nhằm quản lý, giúp đỡ, định hướng giáo dục thanh thiếu niên (TTN) trở thành công dân tốt, hạn chế tình trạng TTN vi phạm pháp luật (VPPL), Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Cao Lãnh xây dựng thí điểm mô hình “Giới thiệu việc làm cho TTN VPPL và có nguy cơ VPPL” tại xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh.
Anh Nguyễn Hữu Thái phụ giúp gia đình mua bán vật tư nông nghiệp
Thời gian gần đây, một bộ phận TTN ở xã Tân Hội Trung không có việc làm ổn định, thường xuyên tụ tập ăn chơi, tham gia tệ nạn xã hội như: đá gà, đánh bạc, trộm cắp tài sản, sử dụng trái phép chất ma túy... làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự ở địa phương. Qua khảo sát của ngành chức năng, toàn xã có 47 TTN VPPL, 71 TTN có nguy cơ VPPL.
Với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã Tân Hội Trung, sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng Công an với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội xã, sau hơn 6 tháng triển khai mô hình “Giới thiệu việc làm cho TTN VPPL và có nguy cơ VPPL”, bước đầu đã mang lại kết quả tích cực. Công an xã đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều hoạt động để giải quyết nhu cầu việc làm cho TTN ở địa phương. Các TTN được giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn làm ăn và đã có thu nhập ổn định, tránh xa các hoạt động VPPL, tệ nạn xã hội.
Công an xã đã lập hồ sơ đề nghị cho 3 trường hợp vay vốn Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng tỉnh Đồng Tháp; giới thiệu 1 trường hợp thanh niên tham gia lực lượng dân quân tự vệ ở xã; giới thiệu 1 thanh niên làm thuê cho cơ sở rửa xe. Bên cạnh đó, Công an xã phối hợp với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội xã tổ chức thăm hỏi, vận động, giáo dục các trường hợp TTN VPPL và có nguy cơ VPPL nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng về việc làm để có biện pháp giúp đỡ.
Đến nay, các trường hợp TTN VPPL được giúp đỡ đã có sự tiến bộ, có việc làm ổn định, không còn tình trạng tụ tập, gây rối trật tự. Với quá khứ ăn chơi lêu lổng, có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy nhưng sau thời gian được cảm hóa, anh Nguyễn Hữu Thái (SN 2000) ở ấp 1, xã Tân Hội Trung đã trở thành thanh niên tiêu biểu của địa phương. Hiện tại, ngoài công việc phụ giúp gia đình mua bán vật tư nông nghiệp, Thái còn tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ của xã. Anh Nguyễn Hữu Thái bộc bạch: “Nhờ sự động viên của ba mẹ và các anh Công an cảm hóa, dìu dắt đã giúp tôi quyết tâm cai nghiện để làm lại cuộc đời, giúp tôi hiểu ra những việc làm sai trái trước kia để từ bỏ và biết phấn đấu cho tương lai”.
Cô Huỳnh Thị Loan - mẹ của anh Thái chia sẻ: “Con tôi được như ngày hôm nay là nhờ có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và lực lượng Công an đã quan tâm hỗ trợ, tiếp sức để con tôi trở thành người tiến bộ, làm lại cuộc đời. Khi biết con mình vướng vào tệ nạn xã hội, gia đình tôi không che giấu, mặc cảm mà luôn hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác giáo dục, cảm hóa. Sau thời gian cai nghiện thành công tại nhà và được bảo lãnh tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ, con tôi giờ đã thay đổi nhận thức, không tập tụ với những thành phần xấu ăn chơi lêu lổng và có ý chí phấn đấu vươn lên, biết nghĩ đến gia đình, thương cha mẹ, lo phụ giúp buôn bán làm ăn”.
Theo anh Hà Văn Vương Linh - Công an viên xã Tân Hội Trung, để xây dựng được 1 đối tượng hoàn lương thành công thì phải theo suốt, quản lý chặt chẽ và cần sự phối hợp tốt giữa gia đình với chính quyền địa phương trong cảm hóa, giáo dục đối tượng. Đặc biệt, trong công tác cảm hóa, vận động, luôn lấy tình thương, thái độ chân thành, trách nhiệm và việc làm cụ thể, thiết thực nhằm khơi dậy tính hướng thiện giúp cho người vi phạm nhận ra lỗi lầm, khuyến khích họ xóa bỏ mặc cảm, cố gắng vươn lên làm lại cuộc đời.
Đối với các trường hợp sau khi được đặc xá, chấp hành xong án phạt tù trở về cư trú trên địa bàn, chính quyền địa phương, các đoàn thể phối hợp với Công an xã chủ động tham gia công tác quản lý, cảm hóa giáo dục đối tượng tiến bộ, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tích cực tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập để cải thiện cuộc sống.
Như trường hợp của anh Trương Vĩnh Thảo (SN 1978) ở Ấp 2, là đối tượng chấp hành xong án phạt tù sinh sống tại địa phương, có nguyện vọng được hỗ trợ vay vốn để chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Từ nguồn Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng tỉnh, anh Thảo được hỗ trợ vay 30 triệu đồng để chăn nuôi heo. Hiện nay, anh Thảo đã có nhiều tiến bộ, việc chăn nuôi ổn định và hòa nhập cộng đồng. Anh Trương Vĩnh Thảo tâm sự: “Sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, không ai chịu thuê mướn làm việc gì, tôi sống rất mặc cảm. Nhờ được địa phương tạo điều kiện cho tôi vay vốn chăn nuôi heo, từ đó tôi chí thú làm ăn, cuộc sống nay đã ổn định, không còn mặc cảm, tự ti như trước”.
Trung tá Nguyễn Văn Út - Trưởng Công an xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh cho biết, để giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, trước hết phải làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm ngay từ cơ sở, do đó Công an xã luôn phối hợp chặt chẽ với các ngành, tổ chức chính trị - xã hội địa phương và chủ động trong công tác tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các hành vi VPPL trong TTN. Đồng thời làm tốt công tác cảm hóa giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương, nắm bắt tâm tư nguyện vọng cũng như tạo điều kiện cho TTN VPPL và có nguy cơ VPPL có việc làm ổn định để trở thành người tiến bộ.
NGUYỄN LONG