Huyện Hồng ngự

Hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội

Cập nhật ngày: 23/07/2023 11:33:31

ĐTO - Từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Hồng Ngự phối hợp các ngành, tổ chức chính trị - xã hội huyện, UBND xã, thị trấn đa dạng các hình thức, nội dung tuyên truyền. Đồng thời đẩy mạnh nhân rộng các mô hình hiệu quả góp phần phòng ngừa, kéo giảm tội phạm, tệ nạn xã hội (TNXH) trên địa bàn.


Đại diện Công an huyện Hồng Ngự tuyên truyền phòng, chống ma túy cho đoàn viên, thanh niên tại thị trấn Thường Thới Tiền

Căn cứ kế hoạch phòng, chống tội phạm, TNXH của tỉnh năm 2023, Phòng LĐ-TB&XH huyện tham mưu UBND huyện ban hành các kế hoạch và triển khai đến các ngành liên quan, UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện. Để tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm, TNXH, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp các đơn vị liên quan triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục, nội dung phong phú, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, phức tạp. Các ban, ngành huyện phối hợp UBND xã, thị trấn phát tờ rơi, treo băng-rôn; tổ chức nhiều buổi truyền thông nói chuyện chuyên đề về tác hại của ma túy, mại dâm tại các xã, thị trấn. Tính đến tháng 6/2023, các đơn vị đã phối hợp tổ chức 10 cuộc tuyên truyền cho 350 người dân, treo 25 băng-rôn về nội dung phòng, chống ma túy, mại dâm tại các tuyến đường chính, các khu dân cư, khu vực ven biên giới. Các tổ chức chính trị - xã hội lồng ghép tuyên truyền phòng, chống TNXH, trật tự an toàn giao thông vào các buổi sinh hoạt chi, tổ, hội với hơn 50 cuộc, thu hút trên 300 lượt cán bộ, hội viên, đoàn viên và người dân tham dự.

Tuyên truyền phòng, chống tội phạm, TNXH, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện dàn dựng chương trình nghệ thuật biểu diễn lưu động phục vụ cho người dân tại địa bàn đông dân cư và vùng ven biên giới. Trong đó, lồng ghép nội dung tuyên truyền về tác hại, hậu quả của tệ nạn mại dâm, ma túy đối với gia đình, cộng đồng và xã hội. Bên cạnh đó, định kỳ hàng tuần, xây dựng và phát sóng các chuyên mục tuyên truyền chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm, TNXH trên Đài truyền thanh huyện, Trạm truyền thanh các xã, thị trấn. Qua đó, nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa của mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên và người dân góp phần kéo giảm tội phạm, TNXH trên địa bàn.

Trong công tác thanh tra, kiểm tra, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với các thành viên Đội kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội huyện thường xuyên kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh có nghi vấn TXNH trên địa bàn. Qua kiểm tra, các đơn vị lồng ghép tuyên truyền những chính sách mới của Nhà nước liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, TNXH để các cơ sở nắm, thực hiện. Ngoài ra, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Công an huyện củng cố, nhân rộng các mô hình phòng, chống tội phạm, TNXH tại một số xã, thị trấn. Công an huyện tăng cường tuyên truyền phòng, chống tội phạm qua mô hình “Móc khóa an ninh”, công khai số điện thoại đường dây nóng của Công an huyện, Công an xã, thị trấn. Đến nay, lực lượng Công an trong huyện đã phát miễn phí hàng ngàn chiếc móc khóa an ninh cho người dân, góp phần nâng cao ý thức tự phòng, tự quản của Nhân dân. Đồng thời người dân có thêm kênh thông tin tố giác tội phạm, TNXH giúp lực lượng Công an giải quyết kịp thời những vụ việc về an ninh trật tự phát sinh ngay tại địa bàn cơ sở.

Nhờ triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, mô hình hiệu quả đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và ý thức cảnh giác, tự quản, tự phòng của người dân, góp phần kéo giảm tội phạm, TNXH trên địa bàn. Thời gian tới, Phòng LĐ-TB&XH huyện tiếp tục tham mưu UBND huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy, mại dâm và các chính sách hỗ trợ đối với các nạn nhân bị mua bán trở về. Đồng thời phối hợp với các ban, ngành liên quan, UBND xã, thị trấn duy trì, nhân rộng các mô hình phòng, chống tội phạm, TNXH; tổ chức các buổi truyền thông, nói chuyện chuyên đề phòng ngừa tội phạm, TNXH cho thanh thiếu niên, học sinh và nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Thường xuyên rà soát, lập danh sách đối tượng không có việc làm ở địa phương để cảm hóa, giáo dục, hướng nghiệp, dạy nghề, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế nhằm hạn chế tham gia vào các TNXH...

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn