Huyện Lấp Vò nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở

Cập nhật ngày: 30/05/2022 15:22:29

ĐTO - Trong những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Lấp Vò luôn được cấp ủy đảng và chính quyền địa phương quan tâm, thường xuyên củng cố, kiện toàn đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải. Toàn huyện Lấp Vò có 68 tổ hòa giải (THG) ở 66 ấp với gần 400 hòa giải viên. Hàng năm, các THG tiếp nhận và đưa ra hòa giải từ 200 - 300 đơn yêu cầu, tỷ lệ hòa giải thành của huyện cũng tăng cao, góp phần giảm thiểu đơn thư, khiếu nại, tố cáo, các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.


Tổ hòa giải xã Bình Thành tổ chức hòa giải tranh chấp cho người dân

Để nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở, Phòng Tư pháp huyện phát động triển khai thực hiện các mô hình: “Thi đua nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở”, “Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở” nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của các hòa giải viên ở cơ sở trong việc vận dụng kiến thức pháp luật, kỹ năng, kinh nghiệm cuộc sống và uy tín để tham gia hòa giải đạt hiệu quả ngày càng cao.

Để triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “Thi đua nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở”, hàng năm, Phòng Tư pháp đều thực hiện đăng ký thi đua chuyên đề, xây dựng kế hoạch phát động thi đua theo từng thời điểm. Từ khi huyện phát động phong trào thi đua, tỷ lệ hòa giải thành hàng năm đều tăng; cụ thể, năm 2017, tỷ lệ hòa giải thành đạt 75%, đến năm 2021, tỷ lệ hòa giải thành đạt 100%. Qua đánh giá xét phân loại hàng năm, có trên 95% THG đạt loại tốt, trên 75% THG đạt xuất sắc và nhiều tập thể, cá nhân được biểu dương, khen thưởng có thành tích trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Bên cạnh đó, mô hình “Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở” cũng được quan tâm, ngày càng phát triển, phát huy hiệu quả. Đến nay, huyện đã thành lập được 13 câu lạc bộ ở các xã, thị trấn thu hút được 322 thành viên tham gia, chủ yếu là hòa giải viên của các THG, cán bộ hưu trí, những người lớn tuổi có kiến thức, kinh nghiệm, hiểu biết về hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Chú Trần Văn Ba - Chủ nhiệm Câu lạc bộ hòa giải xã Vĩnh Thạnh cho biết: “Câu lạc bộ được thành lập năm 2017 với 39 thành viên tham gia. Qua 5 năm hoạt động đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp cho các THG, hòa giải viên ở cơ sở trao đổi nhiều kinh nghiệm quý báu trong hoạt động hòa giải, là nơi sinh hoạt, giao lưu, học tập, trao đổi thông tin, kiến thức pháp luật, sinh hoạt văn hóa của những người làm công tác hòa giải để họ trau dồi, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở, hàng năm, Câu lạc bộ tham gia hòa giải thành đạt 100%”.

Mỗi Câu lạc bộ hòa giải đều có quy chế hoạt động phù hợp với tình hình của địa phương, trong mỗi buổi sinh hoạt sẽ thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là các văn bản pháp luật mới ban hành; đánh giá tình hình hoạt động, kết quả hòa giải của các tổ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong các vụ việc đã được đưa ra hòa giải, những giải pháp, cách làm hay hoặc chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hòa giải.

Chú Lê Thanh Tòng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hòa giải xã Long Hưng A chia sẻ: “Hoạt động của Câu lạc bộ được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, hợp tác tương trợ, chia sẻ kinh nghiệm. Vụ việc hòa giải dù khó đến đâu, hòa giải viên vẫn làm việc nhiệt tình đến khi hòa giải thành, từ đó, góp phần đưa tỷ lệ hòa giải thành của huyện tăng lên, giảm bớt tình trạng đơn thư khiếu nại vượt cấp, tạo sự gắn kết, gìn giữ mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư”.

Theo bà Lê Thị Hồng Phượng - Giám đốc Sở Tư pháp, huyện Lấp Vò đã triển khai hiệu quả mô hình “Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở”, qua đó đã phát huy vai trò đắc lực trong việc nâng cao hiệu quả công tác hòa giải. Tỷ lệ hòa giải thành tăng cao, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, do đó, mô hình này cần được tiếp tục nhân rộng ở các địa phương khác.

Ông Nguyễn Thành Đông - Trưởng Phòng Tư pháp huyện Lấp Vò cho biết, hướng tới, Phòng sẽ tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện để các THG và các Câu lạc bộ hòa giải hoạt động hiệu quả. Trong đó, tăng cường công tác phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hòa giải; kiện toàn, chuẩn hóa đội ngũ hòa giải viên. Đồng thời tiếp tục duy trì, phát huy mô hình thi đua nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở, củng cố, tạo điều kiện về vật chất, tinh thần để các Câu lạc bộ hòa giải duy trì sinh hoạt thường xuyên và hiệu quả.

 NGUYỄN LONG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn