Lấy ý kiến góp ý hoàn chỉnh dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Cập nhật ngày: 23/09/2022 16:56:52

Chiều ngày 23/9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp có buổi tiếp xúc cử tri ngành thanh tra và lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).


Ông Trần Văn Sáu – Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp ghi nhận ý kiến đóng góp của cử tri ngành Thanh tra

Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3. Sau khi tiếp thu, bổ sung, điều chỉnh Dự thảo Luật đã được chỉnh lý 87/118 điều. Tuy nhiên, qua thảo luận tại hội nghị đại biểu chuyên trách vào tháng 9/2022 thì vẫn còn  một số vấn đề lớn cần phải tiếp tục lấy ý kiến góp ý hoàn chỉnh để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Ông Trần Văn Sáu – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh gợi ý cho đại biểu ngành thanh tra thảo luận các vấn đề cần lấy ý kiến đóng góp của dự thảo Luật. Ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật, Quốc hội gợi ý các vấn đề cụ thể cần ngành thanh tra đóng góp ý kiến sâu cho Đoàn ĐBQH tỉnh.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri ngành thanh tra có ý kiến thống nhất dự thảo Luật tiếp tục giữ Thanh tra huyện là cần thiết để giúp UBND cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra theo phân cấp; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về tổ chức với cơ quan thanh tra ở cấp tỉnh và Trung ương... Bên cạnh đó, Điều 36 quy định về Thanh tra viên nên bổ sung quy định khi sắp xếp, điều động thanh tra viên phải có ý kiến của Chánh Thanh tra tỉnh để đảm bảo lực lượng thanh tra ở cấp huyện được ổn định, đồng thời bổ sung quy định xác định biên chế tối thiểu của Thanh tra cấp huyện.

Về quy định thông báo việc công bố quyết định thanh tra đến đối tượng thanh tra trước khi tiến hành thanh tra theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 48  có thể khiến đối tượng thanh tra xóa dấu vết vi phạm, tang vật vi phạm, gây khó khăn cho hoạt động thanh tra (vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống lúa hay vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm...).

Theo khoản 3 Điều 56 về ban hành quyết định thanh tra quy định chậm nhất là 5 ngày làm việc kể từ ngày ký, quyết định thanh tra phải được gửi cho đối tượng thanh tra. Tuy nhiên, thực tế khi thực hiện quy định này gặp nhiều khó khăn như 1 cuộc thanh tra có nhiều đối tượng thanh tra (chủ yếu là các cơ sở nhỏ, lẻ và từ 20 đến 30 cơ sở/cuộc thanh tra) và nằm ở các địa bàn rộng, các đơn vị hành chính xa trung tâm, không thể triệu tập tất cả đối tượng thanh tra để công bố quyết định thanh tra gây khó khăn, phiền hà, tốn kém về kinh phí, thời gian đi lại của đối tượng thanh tra.

Cử tri có ý kiến thống nhất bỏ quy định Thanh tra nhân dân tại các cơ quan, chỉ thực hiện ở xã, phường, thị trấn. Cử tri đề nghị cần có thanh tra chuyên ngành trong các cục, tổng cục, bộ đối với một số bộ, ngành cần thiết có thanh tra trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước; về tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên chính, nên quy định thời gian giữ ngạch Thanh tra viên và tương đương tối thiểu là 6 năm thay vì 9 năm như dự thảo là quá lâu...

Ông Trần Văn Sáu – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tiếp thu, ghi nhận ý kiến đóng góp của cử tri ngành thanh tra để tổng hợp, báo cáo đến Quốc hội.

THANH TRÚC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn