Lấy ý kiến về 2 dự thảo luật
Cập nhật ngày: 25/03/2015 07:45:31
Hôm qua (24/3), Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến tiếp tục hoàn chỉnh 2 dự thảo luật là Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Luật Thú y. Đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh có chức năng liên quan tham gia đóng góp ý kiến.
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến dự thảo luật
Dự án Luật ATVSLĐ và Luật Thú y đã được Quốc hội khoá XIII cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp lần thứ 8. Qua tiếp thu ý kiến đóng góp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp tục lấy ý kiến góp ý để hoàn chỉnh dự thảo 2 luật trên.
Về dự thảo Luật ATVSLĐ, các đại biểu đề nghị quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong ATVSLĐ (Điều 12) như bổ sung các hành vi làm trái với đạo đức nghề nghiệp; sử dụng các chất cấm trong sản xuất do Bộ Y tế quy định; không hợp tác với đoàn điều tra tai nạn lao động, không cung cấp đủ thông tin, tài liệu hoặc từ chối, cản trở quá trình điều tra tai nạn. Đối với quy định mức đóng, nguồn hình thành Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Điều 45), các đại biểu thống nhất nên quy định 1 mức đóng cho tất cả các loại hình bởi quỹ này mang tính chất chia sẻ cộng đồng; cụ thể người sử dụng lao động hàng tháng đóng 1% trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đối với trách nhiệm quản lý nhà nước về ATVSLĐ (Điều 84), ý kiến đề nghị quy định cụ thể, riêng rẽ trách nhiệm của 3 cơ quan là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; trong đó cần nhấn mạnh vai trò quan trọng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với vai trò bảo vệ người lao động.
Đối với dự thảo Luật Thú y, tại Điều 6 quy định về hệ thống cơ quan chuyên ngành về thú y, các ý kiến đóng góp đề nghị chọn phương án 1 của dự thảo là phù hợp thực tiễn. Theo đó, hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành về thú ý gồm có Cục Thú y trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chi cục Thú y trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trạm Thú y thuộc Chi cục Thú y đặt tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Các đại biểu cũng thống nhất thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn nên quy định đến Chủ tịch UBND cấp huyện (khoản 4 Điều 25) vì cấp huyện có bộ máy chuyên môn tương đối hoàn chỉnh, trong đó có lực lượng thú y nên cấp huyện có điều kiện xác định dịch bệnh bùng phát. Về tiêu huỷ, giết mổ bắt buộc động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh (Điều 29), các đại biểu thống nhất nên quy định nơi nào ra quyết định công bố dịch thì có quyền tiêu huỷ động vật mắc bệnh...
Những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp để trình tại kỳ họp lần thứ 9 của Quốc hội vào tháng 5/2015.
Thanh Trúc