Một số thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội Facebook, Zalo...

Cập nhật ngày: 08/04/2023 06:10:08

Lừa đảo bằng thủ đoạn “bẫy tình” trên mạng xã hội

Trên các mạng Facebook, Zalo, Twitter... các đối tượng trong và ngoài nước giả danh quân nhân đang công tác nước ngoài, tìm cách làm quen, “giả vờ” yêu đương để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của nhiều phụ nữ bằng cách hứa tặng quà, tiền có giá trị cao như: vàng, kim cương, USD... Tuy nhiên, để nhận được tiền, quà tặng, đối tượng lừa nạn nhân phải đóng phí dịch vụ, phí hải quan, thuế... bằng cách chuyển tiền vào tài khoản của bọn chúng.

Lừa đảo bằng thủ đoạn “chuyển tiền làm từ thiện”

Các đối tượng giả danh người nước ngoài tìm cách làm quen với bị hại qua Facebook, Zalo... và nhờ nhận số tiền lớn để làm từ thiện, nếu nạn nhân đồng ý sẽ được hưởng từ 30 - 40% tổng số tiền mà đối tượng gửi về để làm từ thiện. Nhưng để nhận được tiền phải trả các chi phí phát sinh như: phí Hải quan, thuế... bằng cách chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định sẵn. Sau khi nhận được số tiền nạn nhân chuyển vào tài khoản, các đối tượng cắt hết liên lạc với nạn nhân.

Lừa đảo thông qua mua bán hàng trực tuyến

Thông qua việc mua bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội Facebook, Zalo... các đối tượng lừa đảo đặt mua hàng và gửi đường link giả mạo website thanh toán tiền bằng dịch vụ chuyển tiền trực tuyến (internet banking), yêu cầu bị hại đăng nhập thông tin vào đường link để đánh cắp thông tin thẻ tài khoản ngân hàng rồi chuyển tiền của bị hại qua tài khoản của đối tượng để chiếm đoạt. Hoặc đối tượng rao bán hàng với giá rất rẻ và thỏa thuận bị hại chuyển tiền trước vào tài khoản của đối tượng khi nhận được tiền, đối tượng sẽ chuyển hàng sau, thấy giá rẻ nên bị hại mất cảnh giác liền đặt mua hàng và chuyển tiền cho đối tượng. Khi nhận được tiền, các đối tượng không giao hàng và cắt hết liên lạc với nạn nhân.

Quảng cáo tìm người làm việc tại nhà để lừa đảo

 Đối tượng sử dụng mạng xã hội Facebook đăng quảng cáo tìm người cộng tác bằng hình thức làm việc tại nhà, khi có người liên hệ các đối tượng giới thiệu, tư vấn về các việc làm như: lắp ráp bút bi, dán tem son, xâu vòng, làm tranh đính đá... Nếu muốn nhận sản phẩm về làm, khách hàng phải đặt cọc một số tiền nhất định và được hứa hẹn sau khi làm xong sẽ thu lại sản phẩm với mức giá cao gấp 3 đến 5 lần và sẽ hoàn trả tiền cọc. Khi khách hàng đồng ý, chúng sẽ yêu cầu chuyển tiền đặt cọc đơn hàng từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng. Sau khi làm xong sản phẩm, nạn nhân liên hệ lại thì không liên lạc được. Số tiền đặt cọc bị các đối tượng chiếm đoạt.

Khuyến cáo của ngành công an

Ngành công an khuyến cáo người dân cần thận trọng, tỉnh táo trong việc kết bạn qua mạng internet (Facebook, Zalo...), nhất là đối với những người xưng là người nước ngoài, bởi phần nhiều đó là thủ đoạn của bọn tội phạm giả danh người nước ngoài, lợi dụng sự thiếu hiểu biết và đánh vào lòng tham của người dân để lừa đảo. Người dân không nên nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng này, tuyệt đối không chuyển tiền cho người lạ, khi chưa biết rõ họ là ai. Bên cạnh đó, cần trao đổi, tham khảo ý kiến của người thân, bạn bè về những thông tin trên để được tư vấn, tránh bị lừa đảo.

Người dân tuyệt đối không cung cấp mã PIN, mật khẩu truy cập, mã OTP cho người lạ. Đồng thời không bấm vào các đường link lạ được gửi qua tin nhắn, email, mạng xã hội. Hết sức cảnh giác khi mua hàng qua mạng xã hội, cần lựa chọn những cửa hàng uy tín, có địa chỉ rõ ràng, khi mua hàng phải thỏa thuận khi nào nhận hàng thì mới chuyển tiền qua đơn vị giao hàng, từ đó hạn chế được rủi do mất tiền.

Khi tìm việc, người lao động cần đến những Trung tâm Dịch vụ việc làm của Nhà nước, hoặc các tổ chức chính trị - xã hội và của doanh nghiệp có uy tín, có văn phòng, địa chỉ rõ ràng, số điện thoại bàn cố định... không nên tìm việc làm tại nhà trên mạng xã hội tránh trường hợp “tiền mất tật mang”. Khi phát hiện đối tượng nghi vấn cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để hỗ trợ điều tra, phát hiện, xử lý.

THANH TRÚC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn