Một vụ kiện cần được xem xét lại

Cập nhật ngày: 09/01/2015 05:39:51

Mặc dù bên tranh chấp không có giấy tờ chứng minh việc được chia đất, nhưng hộ gia đình đã sử dụng đất canh tác liên tục, ổn định hơn 50 năm vẫn bị buộc phải trả giá trị quyền sử dụng đất (QSDĐ) lên đến hơn 300 triệu đồng.

Đó là vụ kiện tranh chấp QSDĐ giữa nguyên đơn là bà Trần Thanh Tuyền và chị Võ Thị Kim Liên (cùng ngụ TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) với hộ ông Võ Văn Chưng ngụ xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự. Diện tích đất tranh chấp là 4.000m2 tọa lạc tại ấp 3, xã Thường Phước 2. Ông Võ Văn Chưng trình bày, phần đất trên do ông khai khẩn từ năm 1962, sử dụng liên tục từ đó đến nay và đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Sau hơn 50 năm canh tác trên đất, đến năm 2013, bà Trần Thanh Tuyền và Võ Thị Kim Liên khởi kiện tranh chấp QSDĐ trên với hộ gia đình ông.

Ngày 22/10/2014, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Hồng Ngự đã xét xử vụ kiện trên bằng bản án sơ thẩm số 43/2014/DS-ST. Theo trình bày của bà Tuyền và chị Liên, phần đất trên vào năm 1979 cụ Võ Văn Dận (là cha chồng của bà Tuyền và là cha ruột của ông Chưng) chia phần thừa hưởng cho ông Võ Hữu Tài (là chồng của bà Tuyền, cha của chị Liên và đã qua đời vào năm 1976). Vì chị Liên lúc đó còn nhỏ nên bà Tuyền và chị Liên chưa nhận đất mà cụ Dận vẫn quản lý sử dụng đất. Đến khi cụ Dận già yếu thì giao cho ông Chưng tạm canh tác, gìn giữ dùm, khi nào bà Tuyền và chị Liên cần sử dụng thì giao lại. Việc cho đất và giao đất cho ông Chưng quản lý dùm không có giấy tờ nhưng có các anh em của ông Tài là các ông: Võ Văn Thới, Võ Văn Gọn, Võ Hữu Nở biết.

Hội đồng xét xử sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của bà Trần Thanh Tuyền và chị Võ Thị Kim Liên; buộc ông Võ Văn Chưng và Võ Văn Tuấn, Võ Tấn Thêm, bà Trần Thị Xu, Đặng Thị Bích (là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) liên đới trả lại giá trị QSDĐ diện tích 4.000m2 cho bà Tuyền và chị Liên bằng số tiền 320 triệu đồng. Không thống nhất với cách giải quyết trên của TAND huyện Hồng Ngự, ông Võ Văn Chưng đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm trên. Đến ngày 4/11/2014, Viện Kiểm sát nhân dân (Viện KSND) huyện Hồng Ngự cũng đã có Quyết định số 361/QĐKNPT kháng nghị bản án trên của TAND huyện Hồng Ngự.

Theo kháng nghị của Viện KSND huyện Hồng Ngự, việc TAND huyện Hồng Ngự tuyên chấp nhận yêu cầu của bà Trần Thanh Tuyền và chị Võ Thị Kim Liên là không có căn cứ, gây thiệt hại cho ông Võ Văn Chưng. Tòa án huyện chỉ căn cứ vào lời khai của các ông: Võ Văn Thới, Võ Văn Gọn, Võ Văn Nở để chấp nhận yêu cầu của bà Tuyền và chị Liên, trong khi theo lời khai của các ông Thới, Gọn, Nở cho rằng việc cho đất có họp mặt các anh em nhưng chỉ có 3 ông biết, không có giấy tờ gì chứng minh. Việc chia đất bà Tuyền và chị Liên không có mặt, không biết phần đất ở vị trí nào và việc gửi giữ dùm cũng chỉ là lời trình bày của các ông Thới, Gọn, Nở; giữa bà Tuyền và cụ Dận, ông Chưng không có gặp nhau để thỏa thuận việc gửi quản lý dùm đất... Do đó, Viện KSND huyện Hồng Ngự quyết định kháng nghị bản án dân sự số 43/2014/DS-ST, ngày 22/10/2014 của TAND huyện Hồng Ngự theo thủ tục phúc thẩm; đề nghị TAND tỉnh xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng sửa bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của bà Trần Thanh Tuyền và chị Võ Thị Kim Liên về việc yêu cầu ông Võ Văn Chưng, Võ Văn Tuấn, Võ Tấn Thêm, bà Trần Thị Xu, Đặng Thị Bích liên đới trả 320 triệu đồng cho bà Tuyền, chị Liên.

Ông Võ Văn Chưng trình bày, nguồn gốc phần đất tranh chấp là do bản thân ông bỏ công sức khổ cực khai khẩn từ năm 1962, lúc đó cha ông là cụ Dận đã 63 tuổi, bị bệnh đau bao tử kinh niên nên không lao động nặng được, mẹ ông đã mất từ năm 1947. Cha ông chỉ có 2.000m2 đất hương hỏa (nằm ngoài diện tích 4.000m2 đất đang tranh chấp), lúc đó ông 22 tuổi là con trai út trong nhà nên cha ông giao cho ông canh tác phần đất hương hỏa trên để thờ cúng ông bà, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông phải ra sức làm ruộng để nuôi gia đình và khai khẩn thêm đất để canh tác. Điều này đã được ông Võ Hữu Đúng là Phó Bí thư Huyện đoàn Hồng Ngự thời điểm năm 1962 và là bác bà con của ông Chưng (tộc trưởng) xác nhận. Đến năm 1979, cha ông đã 80 tuổi và qua đời khi được 81 tuổi, vì vậy việc bà Tuyền cho rằng năm 1979 cha ông chia đất cho chồng bà là anh Võ Hữu Tài và vì chị Liên còn nhỏ nên bà chưa nhận đất mà cụ Dận vẫn quản lý sử dụng là không đúng.

Trong quá trình sử dụng đất, vào năm 1975 khi chính quyền địa phương thông báo về việc kê khai đất, ông Chưng đã đến khai báo và được cấp sổ xanh. Đến năm 1993, Nhà nước thông báo kê khai đăng ký QSDĐ, ông được cấp giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ). Khi đến năm 2007, Nhà nước đổi lại giấy mới, ông cũng đã được cấp lại giấy mới. Như vậy, từ khi ông Võ Văn Chưng canh tác phần đất trên và qua nhiều năm, nhiều lần đổi giấy chứng nhận QSDĐ đều không có tranh chấp gì. Điều này đã được UBND huyện Hồng Ngự xác nhận việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ ông Võ Văn Chưng được niêm yết công khai, đúng trình tự thủ tục, không phát sinh tranh chấp.

Qua vụ việc trên cho thấy, diện tích đất tranh chấp đã được ông Võ Văn Chưng bỏ công sức cải tạo, bồi đắp đất và canh tác liên tục qua các thời kỳ, đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận QSDĐ qua các giai đoạn. Vì vậy, việc Hội đồng xét xử sơ thẩm chỉ căn cứ vào lời khai của bên tranh chấp và một vài người làm chứng, không có giấy tờ chứng minh mà buộc ông Võ Văn Chưng phải trả giá trị QSDĐ là không có căn cứ vững chắc. Thiết nghĩ, vụ kiện trên cần được xem xét lại và có cách giải quyết đảm bảo quy định pháp luật, thấu tình đạt lý hơn.

Thanh Trúc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn