Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở

Cập nhật ngày: 22/09/2024 05:20:28

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240922052112dt2-4.mp3

 

ĐTO - Hòa giải ở cơ sở (HGƠCS) có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, có thể nói, đây là một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, khẳng định được vai trò quan trọng phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Vì vậy, cần thiết phải nâng cao hiệu quả công tác HGƠCS.


Sở Tư pháp tổ chức hội thảo chuyên đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở”

Phát huy hiệu quả công tác hòa giải

Trong thời gian qua, công tác HGƠCS trên địa bàn tỉnh không ngừng được củng cố về tổ chức, đội ngũ hòa giải viên (HGV) tạo được lòng tin, uy tín, từng bước nâng chất lượng, hiệu quả công tác HGƠCS, góp phần quan trọng trong việc phát huy, giữ gìn tình đoàn kết tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư, thúc đẩy phong trào xây dựng đời sống văn hóa, an ninh trật tự...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 718 Tổ hòa giải, với gần 4.000 HGV. Công tác HGƠCS được các cấp, các ngành quan tâm đổi mới, sáng tạo. Trong đó, mô hình Câu lạc bộ HGƠCS được đánh giá là mô hình tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải, góp phần duy trì tỷ lệ hòa giải thành ở cơ sở từ 90% trở lên. Mô hình đã được UBND tỉnh công nhận là điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 - 2020 và được Bộ Tư pháp đánh giá cao, khuyến khích nhân rộng trên toàn quốc. Hiện nay, tỉnh đã xây dựng và nhân rộng được 143 Câu lạc bộ HGƠCS trên 143 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Ông Đinh Thanh Sơn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ HGƠCS phường An Hòa, TP Sa Đéc cho biết: “Trước đây, các Tổ hòa giải hoạt động độc lập, tự xem xét, giải quyết đơn phương từng vụ việc nên kết quả hòa giải thành không cao (dưới 80%). Đến khi mô hình Câu lạc bộ HGƠCS ra đời đã tạo thuận lợi cho tất cả HGV trên địa bàn có dịp cùng nhau chia sẻ, trao đổi, thảo luận, tìm ra nhiều giải pháp mới, cách làm hay trong việc định hướng cho vụ việc hòa giải. Từ đó tỷ lệ hòa giải thành ngày càng được nâng lên trên 80%, đặc biệt từ tháng 1/2018 đến nay, số vụ việc hòa giải thành của phường An Hòa luôn đạt 100%”.

Công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ được Sở Tư pháp và UBND các huyện, thành phố duy trì tổ chức hằng năm nhằm kịp thời bổ sung kiến thức pháp luật và bồi dưỡng kỹ năng hòa giải cho đội ngũ HGV ở cơ sở. Với nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả nguồn nhân lực thực hiện công tác HGƠCS và việc vận dụng quy định của pháp luật vào hoạt động hòa giải đã góp phần nâng cao tỷ lệ hòa giải thành năm sau cao hơn năm trước. Điển hình trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, các HGV đã tiếp nhận hơn 4.200 vụ việc, hòa giải thành gần 3.900 vụ, việc, đạt gần 92% (tăng hơn 1,01% so với cùng kỳ).

Ông Lê Văn Bé Sáu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho biết, thực hiện Luật HGƠCS, từ năm 2020 đến nay, Hội Luật gia tỉnh quan tâm đến việc chỉ đạo phối hợp đưa hội viên Hội Luật gia tham gia HGƠCS nhưng số lượng hội viên Hội Luật gia tham gia là HGV còn quá ít so với số Tổ hòa giải được thành lập. Để góp phần thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Nâng cao nguồn nhân lực HGƠCS giai đoạn 2024 - 2030”, trong thời gian tới, các cấp có thẩm quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm huy động lực lượng Luật gia sống trên địa bàn tham gia công tác HGƠCS.


Đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo

Phối hợp thực hiện nhiều giải pháp

Năm 2024 là năm khởi đầu giai đoạn mới theo Kế hoạch số 216 ngày 24/6/2024 của UBND tỉnh về triển khai, thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ HGV ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Năm 2024 cũng là năm đầu tiên áp dụng Nghị quyết số 01 ngày 21/3/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung và mức chi cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và HGƠCS trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Để công tác HGƠCS của tỉnh trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn nữa, sớm hoàn thành các mục tiêu của Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ HGV ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030” đã đề ra, vừa qua, Sở Tư pháp đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động HGƠCS”. Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi, làm rõ nhiều nội dung quan trọng và lãnh đạo Sở Tư pháp đã đưa ra những định hướng để các đơn vị, địa phương phối hợp, thống nhất thực hiện trong thời gian tới.

Theo đó, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bầu, công nhận HGV ở cơ sở để góp phần hoàn thành mục tiêu 100% Tổ hòa giải ở cơ sở được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, thành phần cơ cấu theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013. Trong đó, giải pháp căn cơ nhất là phát huy vai trò nòng cốt của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn Ban công tác Mặt trận phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận giới thiệu vào danh sách bầu HGV (chú trọng giới thiệu lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở làm HGV ở cơ sở)...

Bà Lê Thị Hồng Phượng - Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, Sở mong muốn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm huy động cán bộ Hội tham gia làm HGV, trong đó đảm bảo mỗi Tổ hòa giải có ít nhất 1 nữ theo quy định của Luật HGƠCS và lồng ghép hoạt động HGƠCS với các phong trào do Mặt trận phát động như: “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”... tăng cường sự đồng thuận xã hội, giảm tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố thường xuyên quan tâm, hướng dẫn các Câu lạc bộ HGƠCS hoạt động, phát huy vai trò của công chức Tư pháp - Hộ tịch trong việc tham mưu UBND cấp xã tạo điều kiện thuận lợi về vật chất, tinh thần để Câu lạc bộ HGƠCS hoạt động hiệu quả. Các Phòng Tư pháp tiếp tục tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo phát huy nhân rộng các mô hình hiệu quả về công tác HGƠCS như: mô hình Tổ tư vấn chuyên môn và pháp luật hỗ trợ công tác hòa giải; Tổ tư vấn cộng đồng hay phối hợp giữa các Tổ hòa giải với hội viên Hội Luật gia tại địa phương trong công tác hòa giải...

Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh cần quan tâm vận động, khuyến khích và tạo điều kiện cho đội ngũ Luật sư, hội viên Hội Luật gia... có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia làm HGV ở cơ sở hoặc hỗ trợ HGV thực hiện HGƠCS tại địa bàn sinh sống để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực làm công tác HGƠCS, đảm bảo thực hiện có hiệu quả mục tiêu ít nhất 10% Tổ hòa giải ở cơ sở được Luật sư, Luật gia, cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực pháp luật, người đã từng là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân hỗ trợ về chuyên môn pháp luật theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 216.


Câu lạc bộ Hòa giải ở cơ sở phường An Hòa, TP Sa Đéc tổ chức  sinh hoạt định kỳ

Về kinh phí thực hiện công tác HGƠCS, hiện nay đã được Hội đồng nhân dân tỉnh quy định cụ thể mức chi thù lao cho HGV, kinh phí hoạt động cho Tổ hòa giải và được UBND cấp xã chi đúng, chi đủ. Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc thủ tục thanh toán chưa được hướng dẫn đồng bộ, gây khó khăn cho HGV trong quá trình thực hiện. Do đó, Sở Tài chính cần quan tâm chỉ đạo Phòng Tài chính hướng dẫn công chức Tài chính - Kế toán cấp xã thực hiện thủ tục thanh toán một cách đồng bộ đảm bảo theo quy định.

Theo bà Lê Thị Hồng Phượng - Giám đốc Sở Tư pháp, sự ra đời của thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 như là giải pháp tích cực cho hoạt động hòa giải ngoài Tòa án, góp phần hạn chế tình trạng các đương sự đã thỏa thuận nhưng sau đó lại không tự giác thực hiện cam kết của mình. Tuy nhiên, để nâng cao được hiệu lực cũng như hiệu quả thực hiện các thỏa thuận hòa giải thành ngoài Tòa án thì cần phải khắc phục các hạn chế trong công tác hòa giải hiện nay. Vì vậy, Sở Tư pháp đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở chọn 1 hoặc 2 huyện làm điểm tổ chức tập huấn hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho HGV về trình tự, thủ tục đảm bảo đúng, đủ theo quy định để thực hiện một số quyết định công nhận kết quả hòa giải thành khi người dân có nhu cầu sau khi được các Tổ hòa giải hòa giải thành, đến cuối năm 2025 sơ kết, đánh giá rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.

Thanh Trúc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn