Nâng cao hiệu quả phối hợp, hạn chế các vụ án oan, sai
Cập nhật ngày: 02/02/2015 07:58:23
Chiều ngày 30/1/2015, Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do ông Nguyễn Hữu Đức - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về chuyên đề giám sát tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định pháp luật trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các ngành chức năng đã tiếp và làm việc với Đoàn. Trước đó, Đoàn đã đến giám sát tại 2 huyện Tháp Mười, Cao Lãnh và TP.Sa Đéc.
Ông Nguyễn Hữu Đức đề nghị các ngành nhanh chóng giải quyết đơn yêu cầu của người dân
Trong 3 năm qua, số vụ án hình sự ngành Tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm của Tòa án 2 cấp là 3.011 vụ với 5.082 bị cáo; trong đó đã giải quyết xét xử 2.967 vụ với 5.017 bị cáo; có 8 vụ án sơ thẩm của Tòa án tỉnh bị Tòa án cấp phúc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại do điều tra, thu thập chứng cứ không đầy đủ. Tòa án tỉnh đã thụ lý 1.116 vụ án/1.612 bị cáo theo thủ tục phúc thẩm, đã giải quyết xét xử 1.091 vụ/1.581 bị cáo. Trong đó, có 2 vụ bị kháng nghị và đã có quyết định giám đốc thẩm chấp nhận kháng nghị; 2 vụ bị Tòa giám đốc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại. Có 1 trường hợp Tòa sơ thẩm xét xử tuyên bố bị cáo phạm tội nhưng khi xét xử phúc thẩm Tòa án tỉnh tuyên bố bị cáo không phạm tội đã bị Tòa án tối cao hủy án để xét xử phúc thẩm lại. Tòa án tỉnh đã mở phiên Tòa xét xử lại vụ án trên nhưng do vắng mặt đương sự nên hoãn phiên Tòa. Còn về việc giải quyết bồi thường oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự, hiện Tòa án tỉnh đã nhận và đang xem xét 1 đơn đề nghị bồi thường của bà Phan Thị Tuyết Loan và Phan Thị Kim Phụng yêu cầu Tòa án huyện Tháp Mười bồi thường thiệt hại do bị xét xử oan trong vụ án hình sự.
Đối với Viện kiểm sát tỉnh, đơn vị nhận 3 đơn đề nghị bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng. Trong đó, có 1 đơn thuộc thẩm quyền, Viện kiểm sát tỉnh đã trả lại đơn do không có oan, sai vì thuộc trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ, còn 2 đơn chuyển Tòa án giải quyết. Đối với ngành Công an tỉnh, có 3 điều tra viên vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra đã bị xử lý kỷ luật 1 trường hợp và truy cứu trách nhiệm hình sự 2 trường hợp. Ngành Công an đã nhận 3 đơn đề nghị bồi thường, trong đó 1 đơn hiện Tòa án tỉnh An Giang đang thụ lý, 1 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án (trường hợp của bà Loan, Phụng) và 1 đơn Bộ Công an đang giải quyết.
Qua thực tiễn áp dụng pháp luật về hình sự, các ngành chức năng đã đề xuất sửa đổi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan, bổ sung cơ chế xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự khi có sự tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng hình sự. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng đã đề nghị các ngành chức năng có văn bản kiến nghị đến Đoàn ĐBQH tỉnh về các vướng mắc trong thực hiện áp dụng pháp luật về hình sự, riêng những vấn đề vướng mắc giữa các ngành Tòa án, Viện kiểm sát, Công an và khối hành chính thì cần có sự phối hợp để báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết. UBND tỉnh đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị Quốc hội giải quyết những vấn đề khó khăn bất cập trong quy định pháp luật để tháo gỡ vướng mắc cho địa phương thực hiện tốt các quy định pháp luật.
Thay mặt Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh, ông Nguyễn Hữu Đức đề nghị ngành chức năng nhanh chóng giải quyết các trường hợp người dân có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự; đồng thời kiến nghị các ngành tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy trong công tác cán bộ cũng như kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp giữa các ngành để hạn chế, khắc phục các thiếu sót có thể xảy ra. Những đề xuất của các ngành chức năng, Đoàn ghi nhận và sẽ tổng hợp để kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh, bổ sung các văn bản luật liên quan.
Thanh Trúc