Nhiều kết quả tích cực qua 10 năm phổ biến, giáo dục pháp luật

Cập nhật ngày: 23/10/2022 10:46:30

ĐTO - Sau khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) năm 2012 có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh đã ban hành nhiều Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện ban hành Kế hoạch và tổ chức triển khai đến cán bộ, công chức (CB, CC), viên chức, người lao động và Nhân dân về nội dung của Luật PBGDPL.


Qua các cuộc thi, hội thi, trình độ hiểu biết pháp luật của người tham gia từng bước được nâng lên

Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ như: xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch về PBGDPL và các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động PBGDPL; phối hợp, lựa chọn nội dung PBGDPL phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh với xây dựng và thi hành pháp luật; tổ chức PBGDPL cho một số đối tượng đặc thù, các vấn đề pháp luật đang được dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn tỉnh và các giải pháp tăng cường xã hội hóa hoạt động PBGDPL. Điểm nổi bật của Hội đồng là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, giảm việc các cuộc họp, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Đặc biệt, hằng năm, khi cơ quan Thường trực Hội đồng dự thảo nội dung, hình thức PBGDPL đều gửi lấy ý kiến các thành viên Hội đồng, UBND cấp huyện. Từ đó nội dung, hình thức PBGDPL luôn sát với yêu cầu thực tiễn tại các đơn vị và địa phương, tránh tình trạng chồng chéo nội dung, hình thức, tạo thuận lợi cho công tác phối hợp giữa các ngành, góp phần rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trong CB, CC, viên chức và Nhân dân.

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (ngày 9/11 hàng năm) được thực hiện tích cực, đa dạng về hình thức, nội dung như: tổ chức cho bộ đội xem phim tài liệu “Quân đội với nhiệm vụ PBGDPL”; chuyên mục chính sách pháp luật; tổ chức thi hái hoa dân chủ và các cuộc thi viết, thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật; tổ chức đối thoại chính sách pháp luật với người lao động... Qua đó, giúp CB, CC, người lao động và Nhân dân hiểu được ý nghĩa, mục đích Ngày Pháp luật Việt Nam, giúp cho tổ chức, cá nhân có ý thức tuân thủ pháp luật.

Các hoạt động PBGDPL tập trung vào những nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 2013, Bộ luật, Luật, Pháp lệnh và văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành trên các lĩnh vực về hình sự, hành chính, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, lao động, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, giao thông, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, CB, CC và Nhân dân...

Các cấp, các ngành luôn quan tâm đến việc đổi mới, đa dạng hóa hình thức PBGDPL phù hợp tình hình thực tế tại địa phương, hướng về cơ sở, từ đó đã mang lại hiệu quả thiết thực qua nhiều hình thức: PBGDPL qua hình thức họp báo, thông cáo báo chí; cung cấp tài liệu pháp luật; qua các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội; các cuộc thi, hội thi; hoạt động xét xử, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở...

Trong 10 năm qua, tỉnh đã biên soạn và phát hành trên 559.000 Sổ tay tuyên truyền pháp luật, tờ gấp hỏi đáp pháp luật với nội dung cô đọng, dễ hiểu, dễ nhớ chuyển tải thông tin cần thiết đến với đoàn viên, hội viên và người dân; tổ chức 10 kỳ Hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp có trên 4.253 lượt đại biểu tham dự. Đặc biệt đã tổ chức 55 cuộc thi, hội thi, trong đó nổi bật nhất là Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” có trên 10.900 người tham gia; Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức pháp luật dành cho học sinh THPT” đã thu hút gần 11.000 lượt học sinh tham gia dự thi; Cuộc thi trực tuyến “Pháp luật học đường” có 2.160 thí sinh tham gia; tổ chức 2 Cuộc thi trực tuyến “Thanh niên với kiến thức pháp luật” thu hút trên 55.000 đoàn viên, thanh niên tham gia... Qua việc tổ chức lồng ghép PBGDPL qua các cuộc thi, hội thi đã có sức lan tỏa rộng và trình độ hiểu biết pháp luật của người tham gia từng bước được nâng cao.

Đến nay, trên toàn tỉnh đã kiện toàn 721 Tổ hòa giải với 4.240 hòa giải viên, các Tổ hòa giải đã tiếp nhận và đưa ra hòa giải kịp thời đúng quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, tỷ lệ hòa giải thành hằng năm đạt trên 80% và duy trì năm sau đều cao hơn năm trước. PBGDPL qua hoạt động xét xử là hình thức giáo dục đặc thù và đã tổ chức phối hợp tuyên truyền trong các phiên tòa xét xử lưu động được 196 cuộc với gần 29.000 lượt người dự, thông qua hoạt động này đã trực tiếp giáo dục ý thức pháp luật cho người dân, đồng thời răn đe những hành vi phạm tội được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Hình thức PBGDPL được đa dạng hóa, lồng ghép qua các buổi sinh hoạt của 117 Hội quán, 338 Câu lạc bộ pháp luật và hơn 259 Câu lạc bộ đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh.


Các cuộc thi trực tuyến thu hút sự tham gia của lực lượng thanh niên

Trong giai đoạn 2012-2022, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình mới về công tác PBGDPL như: Hình thức PBGDPL và trợ giúp pháp lý qua công tác tiếp công dân; Chuyên mục “Phổ biến pháp luật Biết để làm đúng” và Chương trình “Tư vấn pháp luật trực tiếp” thực hiện trên Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp; mô hình Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở; nhóm Zalo phổ biến, giáo dục pháp luật; các Câu lạc bộ: “Phụ nữ với pháp luật”, “Gia đình không vi phạm pháp luật”, “Phụ nữ với an toàn giao thông”, “Văn hóa giao thông, gia đình với an toàn giao thông”...

Có thể nói, sau 10 năm thi hành, Luật PBGDPL đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, tổ chức trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong PBGDPL từng bước hoàn thiện và phát huy hiệu quả, đảm bảo sự công khai, minh bạch của các chính sách, pháp luật, bảo vệ các quyền cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức, người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin về pháp luật. Qua đó, nâng cao sự hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật, đảm bảo công bằng xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

NHẬT ANH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn