Những quy định mới về thi hành án dân sự
Cập nhật ngày: 04/05/2015 07:40:11
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS) năm 2008 (sau đây gọi tắt là Luật) sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015 với khá nhiều nội dung mới được sửa đổi, bổ sung. Luật tiếp tục hoàn thiện thể chế về THADS, tạo cơ sở pháp lý cho sự chuyển biến cơ bản, bền vững, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác THADS. Luật đã sửa đổi 55/183 điều so với Luật THADS hiện hành, trong đó sửa đổi 47 điều; bãi bỏ 6 điều và một phần của 2 điều; bổ sung 3 điều.
Đối với những nội dung được sửa đổi, bổ sung về cơ quan THADS và chấp hành viên, các điều luật bổ sung trách nhiệm của cơ quan THADS cấp tỉnh, cấp huyện báo cáo Tòa án về kết quả thi hành bản án, quyết định khi có yêu cầu và trách nhiệm báo cáo UBND theo quy định pháp luật. Về chấp hành viên, Luật quy định điều kiện bổ nhiệm thông qua cơ chế thi tuyển.
Để tạo cơ sở pháp lý tốt hơn bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân, Luật đã thiết kế 3 điều (Điều 7, 7a và 7b) để quy định về quyền, nghĩa vụ của từng chủ thể. Luật đã sửa đổi phân định rõ ràng giữa quyền và nghĩa vụ của người được THA nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự thực hiện. Trong các quyền của người được THA, Luật đã quy định rõ hơn về quyền yêu cầu THA; làm đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định; áp dụng biện pháp bảo đảm, áp dụng biện pháp cưỡng chế THA; được thông báo về THA; thỏa thuận với người phải THA, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung THA; tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp thông tin về điều kiện THA của người phải THA; ủy quyền cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình; chuyển giao quyền được THA cho người khác.
Một quyền rất mới mà Luật bổ sung cho đương sự, đó là quyền được yêu cầu thay đổi chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ. Quy định này phù hợp với quy định hiện hành về thay đổi người tiến hành tố tụng trong các thủ tục tố tụng, đảm bảo sự khách quan trong tổ chức THADS, tạo niềm tin cho nhân dân đối với hoạt động THADS.
Đặc biệt, Luật đã sửa đổi một cách căn bản quyền, nghĩa vụ của người được THA liên quan đến việc xác minh điều kiện THA. Theo Luật THADS 2008, người được THA có nghĩa vụ tiến hành xác minh điều kiện THA của người phải THA; nếu muốn yêu cầu cơ quan THADS tiến hành xác minh thì phải chứng minh là đã tiến hành xác minh không có kết quả và phải chịu chi phí xác minh. Qua thực tiễn cho thấy quy định này không phù hợp, nghĩa vụ này trở thành gánh nặng cho người được THA, nhất là đối với những người già cả, neo đơn, ốm đau, nghèo, ở vùng sâu, vùng xa, ở địa phương khác với người phải THA. Để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người được THA, từ nghĩa vụ xác minh, Luật quy định chuyển hóa thành quyền của người được THA trong việc cho phép họ được tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp cho cơ quan THA thông tin về điều kiện THA của người phải THA; họ không phải chịu chi phí xác minh điều kiện THA do chấp hành viên thực hiện; trong trường hợp cung cấp thông tin chính xác về điều kiện THA của người phải THA và các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ thì người được THA còn được miễn, giảm phí THA.
Mặt khác, một trong những bức xúc của người được THA đó là tình trạng người phải THA tìm mọi cách để trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ như: không nhận tài sản là của mình, đồng ý tài sản là của người khác, không khởi kiện yêu cầu phân chia tài sản chung. Do đó, Luật đã quy định bổ sung quyền của người được THA trong việc yêu cầu Tòa án xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản; yêu cầu Tòa án giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót; khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp của đương sự về tài sản liên quan đến THA. Đây là quyền quan trọng để tạo cơ hội cho người được THA bảo vệ kịp thời và đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp mà bản án, quyết định đã ghi nhận.
Về quyền tự nguyện THA, Luật đã sửa đổi theo hướng rút ngắn thời hạn tự nguyện THA từ 15 ngày xuống còn 10 ngày, kể từ ngày người phải THA nhận được quyết định THA hoặc được thông báo hợp lệ quyết định THA. Quy định này nhằm hạn chế việc kéo dài thời hạn THA, bổ sung điểm quan trọng là quy định người phải THA có nghĩa vụ kê khai trung thực tài sản, điều kiện THA; cung cấp đầy đủ tài liệu, giấy tờ có liên quan đến tài sản của mình khi có yêu cầu của người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai đó.
Về việc THA theo yêu cầu của đương sự, Luật đã thay đổi quy định “đơn yêu cầu THA” bằng thuật ngữ có nghĩa chung hơn là “yêu cầu THA” để thể hiện việc yêu cầu THA không chỉ bằng đơn mà còn bằng hình thức khác. Đặc biệt, điểm mới là không bắt buộc yêu cầu THA phải có thông tin về điều kiện THA; khi người yêu cầu trực tiếp trình bày bằng lời nói thì cơ quan THADS phải lập biên bản có các nội dung cụ thể; biên bản này có giá trị như đơn yêu cầu; khi tiếp nhận yêu cầu THA, thì phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu thay cho việc cấp giấy xác nhận đã nhận đơn như trước đây.
Luật đã sửa đổi một cách căn bản quyền, nghĩa vụ của người được THA liên quan đến việc xác minh điều kiện THA, cụ thể là Luật đã chuyển nghĩa vụ của người được THA trong việc phải chứng minh điều kiện THA thành trách nhiệm xác minh của chấp hành viên. Luật đã xác định rất rõ thời hạn chấp hành viên phải tiến hành xác minh, cụ thể trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện THA mà người phải THA không tự nguyện thi hành thì chấp hành viên tiến hành xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay.
Về biện pháp bảo đảm THA, Luật bổ sung biện pháp bảo đảm THA “phong toả tài sản ở nơi gửi giữ” nhằm tạo điều kiện tốt hơn để bảo vệ quyền lợi của người được THA. Về biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự được sửa đổi, bổ sung làm rõ hơn thẩm quyền của chấp hành viên đang thực hiện nhiệm vụ THA có quyền tạm giữ tài sản, giấy tờ liên quan đến việc THA mà đương sự, tổ chức, cá nhân khác đang quản lý, sử dụng. Đồng thời, quy định rõ cơ quan, tổ chức và cá nhân hữu quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, thực hiện yêu cầu của chấp hành viên trong việc tạm giữ tài sản, giấy tờ.
Luật sửa đổi, bổ sung một số vấn đề về biện pháp tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản. Trong đó, bổ sung căn cứ để áp dụng biện pháp bảo đảm này, đó là khi phát hiện đương sự có hành vi trốn tránh việc THA và bổ sung nội dung ngăn chặn mà chấp hành viên có thể ra quyết định theo hướng không chỉ đối với tài sản của người phải THA mà cả tài sản chung của người phải THA với người khác. Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung rõ hơn thời hạn cơ quan THA phải gửi quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản, phải gửi ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đó...
Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung các quy định về cưỡng chế THA; về việc xử lý tài sản chung và tài sản có tranh chấp; về định giá lại, bán đấu giá tài sản; về thanh toán tiền, trả tài sản THA cho người được THA; về thi hành nghĩa vụ trả vật, trả giấy tờ; về thời hạn giải quyết khiếu nại về THADS...
Thanh Trúc