Quyền lợi chính đáng của người dân cần được nhanh chóng giải quyết
Cập nhật ngày: 10/10/2014 13:22:23
Một phần đất còn lại sau khi múc kênh bị sử dụng làm đê bao cho đất canh tác lúa của những hộ khác, nhưng không được trả tiền bồi thường và một phần đất còn lại thì bị người khác sử dụng canh tác, đi khiếu nại nhiều năm không được giải quyết. Đây là nỗi niềm bức xúc của nhiều hộ dân ngụ ấp 2, xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười.
Người dân bức xúc mướn kobe ban đất và múc đứt đê bao để yêu cầu giải quyết bồi thường đất
Theo trình bày của nhiều hộ dân ngụ ấp 2, xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười, vào năm 1997 sau khi huyện thực hiện tách xã, phần đất ruộng của những hộ này thuộc về ấp 2, xã Thạnh Lợi. Năm 1998, huyện có chủ trương múc kênh trên phần đất của những hộ này để xả phèn, các hộ dân thống nhất chủ trương này, không yêu cầu bồi thường đất, đồng thời đóng tiền múc Kênh Hậu 700. Khi con kênh hoàn thành, ngoài phần đất mất khi múc kênh, các hộ dân còn có một phần đất lọt qua bờ Đông Kênh Hậu 700, tùy vị trí con kênh đi ngang đất mà phần diện tích đất của các hộ còn lại nhiều hay ít. Phần đất này, các hộ dân sử dụng trồng cây tràm, bạch đàn.
Sau đó, phần đất này của các hộ được sử dụng làm đê bao cho Trạm bơm Thạnh Lợi 9, các hộ dân trên được yêu cầu đốn các cây trồng trên phần đất thuộc bờ Đông Kênh Hậu 700. Những hộ dân cho biết đã nhiều lần yêu cầu UBND xã giải quyết việc chủ trạm bơm phải bồi thường đất cho các hộ dân. Thế nhưng qua các lần giải quyết của UBND xã đều không thành, trong đó có lý do chủ trạm bơm không có mặt, việc thương lượng giá bồi thường không thành. Bức xúc về vụ việc trên, trong lần đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện tiếp xúc cử tri, các hộ dân đã phản ánh và đề nghị được giải quyết quyền lợi của mình. Đến ngày 26/6/2014, UBND xã mời những hộ dân trên và chủ trạm bơm Thạnh Lợi 9 để đối thoại giải quyết, tuy nhiên vụ việc vẫn chẳng đi đến đâu.
Mới đây, ngày 1/10/2014, do thời gian qua đi, vụ việc vẫn không được giải quyết, quá bức xúc nên người dân đã mướn kobe vào ban bờ bao tại phần đất của mình trên bờ Đông Kênh Hậu 700. Chú Phạm Văn Mạnh ngụ ấp 2, xã Thạnh Lợi cho biết: Đã nhiều lần chúng tôi yêu cầu nếu muốn sử dụng đất làm đê bao trạm bơm thì phải trả tiền cho các hộ dân, nhưng nhiều năm qua đi người dân vẫn không được nhận tiền bồi thường. Quá bức xúc, chúng tôi đã mướn kobe vào ban đê bao và múc đất tại phần đất của tôi, mục đích là buộc phải trả tiền bồi thường đất lấy làm đê bao cho trạm bơm.
Chúng tôi đến UBND xã Thạnh Lợi để tìm hiểu về phản ánh, khiếu nại trên của người dân, tuy nhiên được nhân viên xã cho biết cả Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã đều đi vắng, nên chúng tôi không được gặp người có thẩm quyền đại diện cho UBND xã Thạnh Lợi. Được biết, ngoài lần dân ban đê bao này, còn có trường hợp ông Nguyễn Văn Cứng ngụ ấp 2, xã Thạnh Lợi bị mất đất do múc kênh Giáo Giáp trước đây, đến nay đã lâu không được bồi thường, nên đến năm 2013 ông Cứng đã mướn kobe ban đất đê bao này để canh tác. Sự việc này còn gây ảnh hưởng đến việc đi lại bằng đường thủy của một số hộ dân do kênh bị lấp cạn.
Ngoài ra, theo trình bày của những hộ dân ấp 2, xã Thạnh Lợi, trong phần đất còn lại bên bờ Đông Kênh Hậu 700 của họ, ngoài phần đất chiều ngang 15m làm đê bao, còn lại diện tích đất chiều ngang 10m của những hộ này. Phần đất trên hiện do ông Đoàn Văn Kế - chủ trạm bơm Thạnh Lợi 9 sử dụng canh tác. Những hộ dân khiếu nại nhiều năm nhưng không được giải quyết.
Tiếp xúc với chúng tôi, những hộ dân khiếu nại trên cho biết, việc không được giải quyết bồi thường đất, đất bị người khác bao chiếm canh tác là nỗi niềm bức xúc nhiều năm của người dân ở ấp 2, xã Thạnh Lợi. Xung quanh việc khiếu nại trên, cũng có không ít dư luận không hay trong người dân ở địa phương. Thiết nghĩ, UBND huyện Tháp Mười và các cơ quan chức năng nên nhanh chóng có biện pháp giải quyết vụ việc khiếu nại để đảm bảo quyền lợi chính đáng của những hộ dân trên và không ảnh hưởng đến việc canh tác của những hộ dân khác.
Thanh Trúc