Sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng
Cập nhật ngày: 24/12/2024 12:02:32
ĐTO - Ngày 24/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Ông Đoàn Hồng Phong – Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Tháp có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa và lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Đồng Tháp
Qua 5 năm thực hiện Luật PCTN, các quy định của Luật đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn, đáp ứng những yêu cầu nhất định của cuộc đấu tranh PCTN trong tình hình mới; công tác đấu tranh PCTN được thực hiện quyết liệt theo chủ trương “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng có bước tiến mạnh, đột phá, sự phối hợp của các cơ quan chức năng ngày càng chặt chẽ. Các vụ án đưa ra xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, không có oan sai, không bỏ lọt tội phạm được dư luận và Nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Các cơ quan tiến hành tố tụng đã xét xử gần 2.600 vụ án với hơn 7.000 bị cáo; tổng số tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng là hơn 26.150 tỷ đồng, tổng số tài sản đã áp dụng các biện pháp đảm bảo để thu hồi hơn 6.420 tỷ đồng. Ngoài ra, tạm giữ 346 lượng vàng, kê biên 20 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với hơn 1.100m2 đất. Trong đó, lần đầu tiên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Cơ quan Tổng Chưởng lý Singapore thu hồi gần 8,8 triệu đô la Singapore.
Các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về trách nhiệm người đứng đầu trong công tác PCTN, tiêu cực; kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút; đồng thời kiên quyết xử lý trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng trong lĩnh vực được giao quản lý. Trong giai đoạn 2022 - 2024, có 264 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 73 người bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN vẫn còn hạn chế nhất định như: tình trạng tham nhũng diễn biến phức tạp với tính chất nghiêm trọng hơn; hiệu quả một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa cao; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát vẫn còn thấp…
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã có tham luận về các vấn đề như: Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số nhằm phòng ngừa tham nhũng; công tác phát hiện, khởi tố, điều tra tội phạm tham nhũng của lực lượng Công an; vai trò của xã hội trong công tác PCTN…
Ông Đoàn Hồng Phong – Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu kêt luận hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Đoàn Hồng Phong – Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị, thời gian tới, các bộ, ngành Trung ương và địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nghiên cứu, thể chế hóa chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN; quán triệt và thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đó là vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.
Đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra truy tố, xét xử, thi hành án, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo…
Thanh Trúc