Ngành công an
Tăng cường phòng ngừa, xử lý nghiêm tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan lừa đảo chiếm đoạt tài sản, “tín dụng đen”
Cập nhật ngày: 02/09/2022 13:33:09
ĐTO - Thời gian qua, nhiều ý kiến cử tri trong tỉnh phản ánh các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, lừa đảo sử dụng các trang mạng, ứng dụng di động xuất hiện ngày càng nhiều; tình trạng sử dụng bạo lực, uy hiếp tinh thần để đòi nợ, gây bức xúc trong Nhân dân. Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Về ý kiến trên, theo Bộ Công an, những năm trước đây, trước diễn biến phức tạp của tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, “tín dụng đen”, Bộ Công an đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này. Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12 ngày 25/4/2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; Chỉ thị số 21 ngày 25/5/2020 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, vi pháp luật liên quan đến hoạt động này. Lực lượng Công an các cấp đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh các vi phạm.
Nhìn chung, các biện pháp quyết liệt của lực lượng Công an và các ngành trong những năm qua đã góp phần từng bước đẩy lùi tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, “tín dụng đen”, nhất là nhiều hành vi vi phạm pháp luật liên quan “tín dụng đen” đã giảm nhiều, không còn công khai, manh động như trước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, “tín dụng đen” diễn ra phức tạp ở một số nơi, biến tướng dưới các hình thức khác nhau và như cử tri phản ánh.
Để tiếp tục đấu tranh, phòng ngừa hiệu quả các loại tội phạm này, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo toàn lực lượng đẩy mạnh công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, tổ chức đấu tranh, điều tra xử lý nghiêm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Trong đó, tập trung một số giải pháp như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là quy định về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn; về phương thức, thủ đoạn của tội phạm liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê... giúp người dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tích cực tố giác tội phạm; không cầm cố tài sản với mục đích không rõ ràng; không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, phối hợp với ngành ngân hàng nghiên cứu, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực, mở rộng các hình thức cho vay tín chấp, phục vụ tiêu dùng của người dân, góp phần hạn chế các trường hợp vay “tín dụng đen” với lãi suất cao; phối hợp với các ngành rà soát phát hiện và khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong những lĩnh vực thường xảy ra tội phạm lừa đảo như: kinh doanh bất động sản, cho vay qua ứng dụng, quản lý chặt chẽ thuê bao điện thoại... Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát huy hiệu quả dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân.
Đồng thời, ngành Công an tăng cường quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhất là quản lý các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, các cơ sở kinh doanh tài chính, cầm đồ...; thường xuyên rà soát, nắm chắc hoạt động của các băng nhóm, đối tượng nghi vấn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê; kịp thời xác lập chuyên án, đấu tranh triệt phá các băng nhóm có biểu hiện hoạt động phạm tội, không để phức tạp, gây bức xúc dư luận.
Lực lượng Công an triển khai các biện pháp nghiệp vụ quản lý chặt chẽ các đối tượng trọng điểm hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, “tín dụng đen”; thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp, truy nã các băng nhóm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, “tín dụng đen”. Đồng thời phối hợp Viện kiểm sát, Tòa án các cấp điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung.
Cùng với đó, phát huy vai trò của lực lượng Công an cấp xã trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn Công an xã thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc tình hình địa bàn; thực hiện có hiệu quả thẩm quyền tiếp nhận, kiểm tra xác minh sơ bộ tin báo về tội phạm, góp phần giải quyết ngay từ đầu những vấn đề mới phát sinh, không để tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, “tín dụng đen” diễn biến phức tạp.
Đồng thời rà soát, phát hiện, phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý quyết liệt các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, kịp thời phát hiện, đấu tranh triệt phá các đường dây tội phạm hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, “tín dụng đen” trên mạng internet.
NHẬT ANH