Tăng cường quản lý chất lượng rượu trên thị trường
Cập nhật ngày: 08/08/2014 05:02:53
Từ năm 2008 đến nay, việc quản lý về giấy phép, chất lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu từng bước được tăng cường. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thuộc sự quản lý Trung tâm Y tế, Phòng Kinh tế, Kinh tế và Hạ tầng huyện, thị, thành phố. Do đòi hỏi gắt gao về thủ tục, kiểm tra thường xuyên nên những cơ sở sản xuất rượu cũng rất thận trọng. Nhưng vẫn còn một số cơ sở kinh doanh bán các loại rượu gạo ngâm chuối hột, mít, la hán quả... còn chứa hàm lượng Aldehyt vượt mức cho phép.
Trung tâm Y tế TP.Cao Lãnh lấy mẫu kiểm tra chất lượng rượu (ảnh tư liệu)
Vừa qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm kết hợp với Trung tâm Y tế huyện, thị, thành giám sát nguy cơ ô nhiễm rượu trên địa bàn tỉnh, đã lấy 70 mẫu rượu (54 mẫu rượu trắng và 16 mẫu rượu màu) tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh gửi kiểm nghiệm. Kết qua, có 29 mẫu (15 mẫu rượu trắng và 14 mẫu rượu màu) có hàm lượng Aldehyt vượt mức cho phép. Sản phẩm rượu màu có hàm lượng Aldehyt vượt mức thấp nhất là 27,5 mg/l, cao nhất là 110 mg/l (mức chuẩn <= 20 mg/l); đối với rượu trắng hàm lượng Aldehyt vượt mức thấp nhất là 53,1 mg/l và cao nhất 210 mg/l (mức chuẩn <= 50 mg/l). Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã mời các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu có mẫu có hàm lượng Aldehyt vượt mức cho phép làm việc và cho cam kết khắc phục những sai phạm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm nhất là quy trình sản xuất, nguyên liệu sản xuất. Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, rượu có hàm lượng Aldehyt cao sẽ gây tác hại cho người tiêu dùng như: gây nhức đầu, tim đập nhanh, sử dụng thường xuyên dễ bị suy nhược thần kinh. Người lạm dụng các loại rượu này có nguy cơ ngộ độc mạn tính, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Hiện nay toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp đầu tư sản xuất rượu với số lượng dưới 3 triệu lít/năm và gần 3.000 cơ sở sản xuất rượu thủ công (chủ yếu là rượu gạo) với tổng sản lượng hàng năm ước khoảng 15 triệu lít. Việc cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu được các Phòng Kinh tế, Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thị, thành phố thực hiện. Từ năm 2008 đến nay có gần 300 giấy phép được cấp.
Mỗi năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra chất lượng rượu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Đối với những cơ sở sản xuất rượu không đảm bảo vệ sinh, đoàn kiểm tra yêu cầu khắc phục, sau đó tái kiểm tra. Nếu cơ sở sản xuất rượu còn vi phạm sẽ không được cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh theo quy định. Việc kiểm tra các loại rượu tại các cơ sở sản xuất thủ công trước khi đưa ra thị trường góp phần đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc quản lý, cấp phép cho những cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu vẫn còn nhiều hạn chế như một số nơi, hàng quán kinh doanh rượu vào ban đêm, trái với thời gian làm việc nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm cũng gặp nhiều khó khăn; ở nông thôn, rượu được bán chung với các loại hàng tạp hoá khác nên việc thống kê, vận động các hộ dân làm các thủ tục theo quy định vẫn chưa được thực hiện;...
C.Phương