Triển khai công tác tư pháp năm 2023

Cập nhật ngày: 19/12/2022 19:21:31

ĐTO - Chiều ngày 19/12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đến dự hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Đồng Tháp có lãnh đạo Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự cùng các sở, ban, ngành có liên quan.


Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Tháp

Năm 2022, Bộ, ngành tư pháp đã bám sát các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các Nghị quyết, Chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành tư pháp; đồng thời, bám sát mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 tại các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ và của từng địa phương.

Việc triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, địa phương hoặc các nhiệm vụ đột xuất thuộc lĩnh vực quản lý được Bộ, ngành tư pháp chủ động tổ chức thực hiện với tinh thần vào cuộc “từ sớm, từ xa”. Một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật như công tác xây dựng pháp luật nói chung, công tác thẩm định, rà soát văn bản quy phạm pháp luật nói riêng đã được các Bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật tiếp tục đổi mới, bám sát yêu cầu đời sống thực tiễn, lấy người dân là trung tâm thụ hưởng. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tiếp tục được xây dựng và vận hành hiệu quả, duy trì kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Toàn ngành đã giải quyết kịp thời hàng triệu yêu cầu của người dân trong công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực. Công tác trợ giúp pháp lý có nhiều dấu ấn nổi bật khi lần đầu tiên nhiệm vụ về trợ giúp pháp lý được triển khai đồng bộ trong tất cả Chương trình mục tiêu quốc gia. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, viên chức, cán bộ làm công tác pháp luật, tư pháp tiếp tục được quan tâm, chú trọng…

Năm 2023, Bộ Tư pháp tập trung 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện và thể chế hóa, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27 ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật; tham mưu thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng Định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội…

Các đại biểu tham dự hội nghị được nghe báo cáo chuyên đề về Xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đề xuất các kiến nghị, giải pháp trong xây dựng, thực thi pháp luật và công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác tư pháp trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đánh giá cao những kết quả Bộ, ngành tư pháp đạt được trong năm 2022. Đồng thời, đề nghị Bộ, ngành tư pháp tập trung chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ như tiếp tục quán triệt, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, chính xác các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các nhiệm vụ đã được xác định cụ thể tại Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, pháp luật về tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật; xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát, giám sát giữa các cơ quan trong thi hành pháp luật. Các Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp…

THANH TRÚC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn