Triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp
Cập nhật ngày: 19/12/2020 10:04:54
ĐTO - Ngày 18/12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp có sự tham dự của lãnh đạo Sở Tư pháp, các sở, ban, ngành tỉnh.
Luật Giám định tư pháp năm 2020 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Luật đã sửa đổi, bổ sung các điều, khoản cụ thể như: bổ sung 1 điều (điều mới 26a về thời gian giám định); 8 điều được sửa đổi, bổ sung (Điều 10, Điều 20, Điều 24, Điều 25, Điều 31, Điều 32, Điều 36, Điều 41); sửa đổi, bổ sung 22 khoản và 9 điểm; bổ sung 4 khoản và 4 điểm mới.
Luật mới tập trung vào các nội dung cơ bản như: phạm vi của giám định tư pháp; hồ sơ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp gắn với việc cấp thẻ, thu thẻ giám định viên tư pháp; bổ sung tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự; quy định rõ lại về quyền, nghĩa vụ của giám định viên tư pháp; nghĩa vụ của người trưng cầu giám định; quyền và nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, thực hiện giám định tư pháp; trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đối với công việc giám định tư pháp; thời hạn giám định...
Hội nghị đã tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Giám định tư pháp. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm tổ chức triển khai những nhiệm vụ đã được luật này quy định; rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản hướng dẫn thực hiện luật này ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương mình...
Nguyễn Long