Trong vòng xoáy của “tín dụng đen”

Cập nhật ngày: 12/11/2012 13:50:43

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp xảy ra nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng chục tỷ đồng, mà người gây ra là các cán bộ ngân hàng biến chất. Khởi điểm của việc phạm tội của họ là lợi dụng vị trí, uy tín của cán bộ ngân hàng để huy động tiền tham gia vào hoạt động “tín dụng đen”. Để rồi trong vòng xoáy ma lực đồng tiền, danh dự, uy tín và cả tương lai tươi sáng của những người được gọi là trí thức thành đạt này đều bị nhấn chìm.


2 bị cáo Quang và Nhơn trước vành móng ngựa

Ma lực đồng tiền

Với vị trí được bổ nhiệm là Giám đốc Phòng Giao dịch Lấp Vò của Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) chi nhánh Đồng Tháp khi chỉ hơn 30 tuổi, Nguyễn Hữu Quang được xem là người thành đạt so với bạn bè cùng trang lứa. Thế nhưng vì không làm chủ được bản thân, Nguyễn Hữu Quang đã bị cuốn theo sức hút của đồng tiền nên đã lợi dụng vị thế cán bộ ngân hàng của mình để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác.

Lợi dụng mối quan hệ quen biết với các khách hàng của Phòng giao dịch, Nguyễn Hữu Quang đã hỏi vay tiền với lãi suất cao với chiêu bài là để làm ăn, cho vay đáo nợ ngân hàng nhưng thực chất là để lấy tiền sử dụng cá nhân. Sau đó, Quang tiếp tục vay tiền của người sau trả cho người trước, đồng thời trả 1 phần vốn, lãi cho người cho vay để họ tin tưởng, tiếp tục cho vay tiền. Tổng cộng đã có 34 người bị Quang lừa đảo với số tiền hơn 47 tỷ đồng.

Nguyễn Hữu Quang ngày càng lún sâu vào con đường phạm tội khi lôi kéo Nguyễn Thiện Nhơn (em bà con chú bác ruột) là cán bộ tín dụng của Phòng giao dịch Lấp Vò bước vào con đường phạm pháp. Quang chỉ đạo cho Nhơn lập khống hồ sơ vay vốn để chiếm đoạt tiền của Phòng giao dịch do mình có trách nhiệm trực tiếp quản lý. Ngoài ra, để có tiền trả nợ khi khách hàng đến đòi tiền và đối phó việc bị tố cáo, Quang còn tự ý xóa thế chấp, xuất trả tài sản bảo đảm thế chấp cho khách hàng trái quy định.

Với Hồ Thanh Trung - cán bộ Phòng Giao dịch TP. Cao Lãnh của MHB, việc làm giàu bằng cách vay tiền để cho vay lại nhằm hưởng lãi suất chênh lệch tưởng chừng rất dễ dàng khi thời gian đầu việc cho vay gặp thuận lợi. Đến khi có một số người vay tiền của Trung làm ăn thất bại, không có tiền trả lại thì Hồ Thanh Trung bắt đầu bị lún vào nợ nần. Để đối phó, Trung tiếp tục vay tiền của nhiều người và dùng tiền vay được của người này để trả cho người khác. Không chỉ vay của người ngoài, Trung còn vay mượn của chị ruột, anh vợ, em vợ và mẹ vợ với số tiền lên đến cả tỷ đồng.

Còn Phan Ngọc Nu - Trưởng Phòng giao dịch SaĐéc thuộc Ngân hàng TMCP Kiên Long chi nhánh Đồng Tháp cũng đã bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cũng thông qua hình thức vay tiền với lãi suất cao, nói dối vay để làm ăn và cho vay đáo nợ ngân hàng, Phan Ngọc Nu đã chiếm đoạt tiền tỷ của nhiều người.

Tác hại dây chuyền

Các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên đã kéo thêm rất nhiều bị hại. Trong đó, có người vừa là bị cáo trong vụ án lừa đảo này, vừa là bị hại trong vụ án lừa đảo khác như Nguyễn Hữu Quang chiếm đoạt tiền vay của Hồ Thanh Trung, còn Trung thì chiếm đoạt tiền vay của Trần Văn Bảy. Để rồi Trần Văn Bảy (ngụ TP. Cao Lãnh) sau khi bị giật nợ, lâm vào cảnh khó khăn nợ nần cũng đã vay tiền của người khác bằng cách nói dối là để cho vay đáo nợ ngân hàng rồi giật luôn, trở thành bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác.

Chưa thấy ai làm giàu từ việc cho vay nóng đáo nợ ngân hàng, nhưng đã có nhiều người lâm cảnh nợ nần chồng chất, tán gia bại sản, vào tù vì nó. Trong vòng quay lãi suất cao, nhiều người là chủ nợ nhưng đồng thời cũng là con nợ của người khác, người cho vay và người vay đều bị nhấn chìm trong vòng xoáy này. Anh L.N.T ngụ TP. Cao Lãnh cũng đã lâm vào cảnh khó khăn vì số tiền nhiều tỷ đồng đưa cho các cán bộ ngân hàng biến chất trên vay đã ra đi không trở lại.


Bước vào vòng tù tội, trả giá cho việc làm sai trái

Cũng lâm vào cảnh mất tiền tỷ vì tin tưởng đưa tiền cho cán bộ ngân hàng cho vay đáo nợ, anh N.V.T ngụ huyện Lai Vung đã khốn khổ trong việc giải quyết nợ nần bởi số tiền bị chiếm đoạt không phải chỉ của riêng cá nhân anh. Và như vậy, tiếp nối phía sau những người có tên trong danh sách bị hại những vụ án trên là một chuỗi các bị hại gián tiếp khác.

Cảnh giác bẫy lãi suất cao

Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp: Sau khi xảy ra những vụ việc trên, để chấn chỉnh hoạt động ngân hàng và ngăn chặn những vụ việc tương tự, chúng tôi đã yêu cầu Giám đốc Chi nhánh, Phòng giao dịch các ngân hàng trên địa bàn tỉnh chấn chỉnh toàn bộ hoạt động, nhất là công tác nhân sự; công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; rà soát, hoàn chỉnh và thực hiện nghiêm các quy trình nghiệp vụ, nhất là các khâu dễ xảy ra tiêu cực.

Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ sai phạm. Ban cán sự Đảng Ngân hàng Đồng Tháp đã ban hành quy định về tiêu chuẩn đạo đức cán bộ, công chức, viên chức Ngân hàng Đồng Tháp. Trong đó, có quy định cán bộ, viên chức ngân hàng không được cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu, phiền hà, lợi dụng danh nghĩa để trục lợi cá nhân.

Mới đây, ngày 6/11/2012 Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Hoan đã có thư gửi cho nhân dân trong tỉnh yêu cầu bà con hết sức cân nhắc đối với các lời mời cho vay với lãi suất cao bất thường, tìm hiểu thật kỹ những thông tin về tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đứng ra huy động vốn, các mối quan hệ, phương cách làm ăn của họ và những rủi ro sẽ gặp phải. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị mỗi người cân nhắc cẩn trọng trước khi quyết định vay và cho vay, đừng để xảy ra việc xấu thì đã muộn. Mọi người hãy tôn trọng pháp luật để tạo ra một xã hội an toàn và phát triển, vì hạnh phúc của mỗi gia đình.

Nhật Anh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn