Vụ án Vạn Thịnh Phát: Cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng bị cáo buộc nhận hối lộ 5,2 triệu USD

Cập nhật ngày: 18/11/2023 09:54:28

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố đối với 86 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các đơn vị có liên quan.


Bị can Trương Mỹ Lan (trái) và Trương Huệ Vân

Trong các bị can, bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị đề nghị truy tố 3 tội danh gồm “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng” và “Đưa hối lộ”.

Các bị can còn lại bị truy tố về các tội danh “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Trong các bị can bị truy tố tội “Nhận hối lộ”, bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II) bị đề nghị truy tố với cáo buộc nhận số tiền 5,2 triệu USD.

Theo kết luận điều tra, bà Đỗ Thị Nhàn là người thực hiện theo chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Hưng (Phó Chánh Thanh tra phụ trách Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) và trực tiếp chỉ đạo cấp dưới tham mưu, xây dựng dự thảo báo cáo lãnh đạo các cấp dự thảo kết luận thanh tra. Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Nhàn đã nhận tiền từ SCB thông qua ông Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng Giám đốc) với số tiền trên.

Cũng theo kết luận, trong cuộc thanh tra SCB đợt 1, bà Đỗ Thị Nhàn chỉ đạo cấp dưới là Nguyễn Thị Phụng (phó trưởng đoàn) và tổ tổng hợp bỏ ra ngoài số liệu phân loại nợ xấu gần 38.000 tỷ đồng; trích lập dự phòng rủi ro hơn 18.700 tỷ đồng… để SCB hợp thức, đưa vào báo cáo đoàn thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra và báo cáo Chính phủ.

Các nội dung được bà Nhàn báo cáo không đúng về sai phạm, vi phạm của Ngân hàng SCB tại các dự án, phương án tái cơ cấu so với kết quả thanh tra theo hướng giảm nhẹ sai phạm và kiến nghị tạo điều kiện cho nhà băng này tiếp tục được tái cơ cấu, kết luận nêu.

Bà Đỗ Thị Nhàn còn bị cáo buộc báo cáo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhiều nội dung không trung thực khác trong kết quả thanh tra để tạo điều kiện cho SCB tiếp tục tái cơ cấu. Từ đó dẫn đến Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm tại SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm xảy ra tại ngân hàng này.

Cũng liên quan đến vụ án, mới đây, Bộ Công an phát lệnh truy nã 7 bị can, do xác định những người này đã bỏ trốn. Những người bị truy nã gồm: Nguyễn Thị Thu Sương (cựu Chủ tịch HĐQT SCB), Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB), Chiêm Minh Dũng (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB), Trầm Thích Tồn (cựu thành viên HĐQT SCB), Sun Henry Ka Ziang (thành viên HĐQT SCB, quốc tịch Trung Quốc), Lam Lee George (cựu thành viên HĐQT SCB) và Nguyễn Lâm Anh Vũ (cựu Phó Giám đốc chi nhánh Bến Thành SCB).

Theo ĐỖ TRUNG (SGGP)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn