Chuyện xứ người: Vụ án đứa trẻ thụ tinh nhân tạo
Cập nhật ngày: 06/10/2013 09:07:28
Tòa tối cao Singapore vừa bác bỏ yêu cầu của người mẹ đòi bồi thường chi phí nuôi đứa con được thụ tinh nhân tạo từ tinh trùng không phải của chồng bà.
Sai sót trong khâu tạo phôi tại Trung tâm điều trị hiếm muộn Thomson nổi tiếng cách đây 3 năm làm chấn động nền y khoa Singapore khi người phụ nữ sinh ra một bé gái có màu da, nhóm máu lạ hoắc. Vật chất di truyền của đứa bé thì một nửa là từ mẹ, nửa còn lại không biết từ ai. Thomson đã thừa nhận có sai sót, bị tạm thời đóng cửa một thời gian và đã bị cơ quan chức năng phạt tiền.
Trong khi đó, người phụ nữ Singapore gốc Trung Quốc 38 tuổi này đã đưa Trung tâm Thomson, phòng điều trị hiếm muộn và hai chuyên viên tạo phôi của trung tâm ra tòa vì tội bất cẩn. Tên tuổi của những người liên quan đều được giấu kín để bảo vệ danh tính đứa trẻ. Theo báo Straits Times, người mẹ này đòi Thomson bồi thường khoảng 1 triệu SGD (17 tỉ đồng), gồm thiệt hại vì đau đớn tinh thần và thể xác, chi phí y khoa, mất mát thu nhập, chi phí nuôi đứa trẻ và thiệt hại vì thương tổn của đứa trẻ.
Tuy nhiên, Lục sự Tòa Dân sự tối cao Singapore David Lee cho rằng, bên cạnh tổn thất về tinh thần và thể chất khi sinh ra đứa trẻ ngoài mong muốn, người mẹ sẽ có được hạnh phúc nuôi dưỡng đứa bé và thấy nó lớn lên từng ngày. “Đứng về mặt pháp lý lẫn đạo lý, không thể tách rời niềm hạnh phúc vô hình hay hữu hình này với chi phí nuôi đứa trẻ”, ông Lee nói và khẳng định người mẹ “có nghĩa vụ nuôi nấng đứa trẻ” trong khi Trung tâm Thomson “không thể bị buộc trách nhiệm này chỉ vì sai sót trong thủ thuật”.
Ông Lee cũng bác bỏ yêu cầu đòi bồi thường cho tổn thương của đứa trẻ, bởi “đứa bé chẳng bị thương tổn gì” và mọi sai sót chỉ xảy ra trước khi nó được phôi thai. Tuy nhiên, Thomson sẽ “không thể vô can” nếu họ bị buộc trách nhiệm vì sai sót của mình, ông nói.
Được biết, người mẹ kháng nghị và phiên tòa xử chính thức sẽ được mở trong tháng này.
Thục Minh/Thanhnien