Colombia và thỏa thuận hòa bình lịch sử

Cập nhật ngày: 03/10/2016 05:08:36

Người dân Colombia ngày 2-10 đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý về thỏa thuận hòa bình với quân nổi dậy (FARC). Nhiều dự báo cho thấy đa số người dân Clombia sẽ đồng ý thỏa thuận này nhằm kết thúc 52 năm xung đột. Kết quả được công bố vào ngày 3-10. Nếu đa số phản đối, các cuộc đàm phán sẽ phải tiến hành lại.


Người dân Colombia vận động ủng hộ thỏa thuận hòa bình trong ngày bỏ phiếu trưng cầu dân ý

Cơ hội lớn

Thỏa thuận hòa bình được ký vào tuần trước giữa Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos và chỉ huy FARC Timoleon Jimenez. FARC hiện có khoảng 7.000 thành viên. Lực lượng này đã đồng ý giao nộp vũ khí và tham gia chính trường.

Đây là kết quả sau 4 năm đàm phán tại La Habana (Cuba). Thỏa thuận hòa bình đã được cộng đồng quốc tế hoan nghênh. Người đi bỏ phiếu sẽ chọn 1 trong 2 lựa chọn “có” ủng hộ hoặc “không” ủng hộ thỏa thuận hòa bình. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy khoảng 2/3 số người đi bỏ phiếu có khả năng ủng hộ thỏa thuận.

Theo Reuters, hầu hết người Colombia tin rằng một nền hòa bình tốt hơn chiến tranh. Phần lớn người ủng hộ đều đã quá mệt mỏi, họ hy vọng thế hệ con cháu sẽ có tương lai tốt đẹp hơn. Tuy vậy, vẫn có nhiều người biểu tình vận động người dân Colombia nói không với thỏa thuận hòa bình vì đã quá nhân nhượng với FARC. Theo thỏa thuận hòa bình, FARC có thể tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội năm 2018 và dự kiến sẽ đảm bảo có 10 ghế tại quốc hội vào năm 2026.

Từ năm 1964, FARC bắt đầu các cuộc tấn công vũ trang và cuộc xung đột này được xem là kéo dài nhất ở châu Mỹ làm hơn 220.000 người chết và hàng triệu người rời bỏ nhà cửa.

Colombia cần hòa bình để thúc đẩy kinh tế

Nếu thỏa thuận hòa bình được chấp thuận, Tổng thống Santos có thể sẽ tập trung vào cuộc cải cách thuế rất cần thiết và các biện pháp khác để bù đắp cho sự sụt giảm thu nhập từ dầu. Ngoài ra, nếu thỏa thuận được thông qua, Chính phủ Colombia sẽ tiếp tục đàm phán với các nhóm nổi dậy nhỏ hơn như ELN, BACRIM.

Một điểm đáng chú ý là, theo BBC, FARC tuyên bố họ sẽ trả tiền bồi thường cho các nạn nhân trong suốt 52 năm xung đột, tuy nhiên sẽ không có đủ tiền để bồi thường cho tất cả nạn nhân vì nguồn lực tài chính dành cho xung đột gần hết. Thêm một điểm nữa là FARC cho biết họ cũng đã công bố tài sản bao gồm cả sở hữu đất. Chính phủ Colombia cho rằng, FARC có những vùng đất rộng lớn có giá trị, trong đó bao gồm gia súc, cửa hàng và các công ty xây dựng.

Theo người dân Colombia, vẫn còn một chặng đường dài để hàn gắn vết thương trong cuộc xung đột. Tuy nhiên, thỏa thuận hòa bình sẽ tạo cơ hội tăng trưởng kinh tế mới và sự ổn định cho Colombia mà trước đây không có. Chính phủ sẽ có thể mở rộng sự hiện diện của mình vào những khu vực do FARC kiểm soát, cho phép phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, việc kết thúc cuộc xung đột cũng sẽ thu hút đầu tư nước ngoài mới để kích thích nền kinh tế. Nếu thỏa thuận này không được chấp thuận, những cơ hội sẽ vuột mất thêm nhiều năm nữa. Quan trọng hơn, bên cạnh thỏa thuận hòa bình, các nhà quan sát cho rằng, Chính phủ Colombia phải đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng và tội phạm liên quan đến ma túy mới mong đem lại bình an thực sự cho người dân.

Lịch sử xung đột ở Colombia

1964: FARC thành lập.

2002: Ở thời đỉnh cao, FARC có 20.000 tay súng kiểm soát đến 1/3 diện tích Colombia. Thượng nghị sĩ Ingrid Betancourt bị bắt cóc và giam giữ trong 6 năm cùng với 14 con tin khác.

2008: FARC chịu hàng loạt tổn thất.

2012: Bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình ở La Habana, Cuba.

2016: Ngừng bắn, ký kết thỏa thuận hòa bình và trưng cầu dân ý thỏa thuận này.

HUY QUỐC/SGGPO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn