Liên minh châu Âu họp thượng đỉnh bất thường

Cập nhật ngày: 24/05/2013 07:53:23

Từ nay đến cuối năm phải dỡ bỏ mọi bức tường bí mật bao quanh các ngân hàng nhằm tránh bị thất thoát hàng nghìn tỷ euro mỗi năm là thỏa thuận mà các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) vừa đạt được sau Hội nghị Thượng đỉnh chớp nhoáng ngày 22-5 tại Brussels (Bỉ).

Tổng thống Pháp F.Hollande (phải) và Thủ tướng Italia E.Letta
thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh EU.

Có thể nói đây là một bước tiến quan trọng trong cuộc tấn công vào các "thiên đường" trốn thuế để tìm cách thu hồi khoản tiền thất thoát khổng lồ về cho ngân sách, nhất là giữa thời điểm EU đang ngập vào khủng hoảng nợ.

Theo ước tính của tổ chức Oxfam, hiện có hơn 12.000 tỷ USD (9.500 tỷ euro) được giấu trong các "thiên đường" thuế liên quan đến EU, trong đó Anh và các nước thuộc địa cũ của Anh chiếm tới hơn một nửa. Con số này tương đương với toàn bộ sản lượng kinh tế hằng năm của Tây Ban Nha và vượt xa khoản cam kết 400 tỷ euro trong kế hoạch giải cứu các thành viên Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) như Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Síp trong những năm tới. Trong khi đó, cơ chế trao đổi thông tin ngân hàng lâu nay chỉ được áp dụng đối với các tài khoản tiết kiệm.

Trên thực tế, cách đây vài năm, Nghị viện Châu Âu (EP) đã ra một nghị quyết kêu gọi EU hành động để giảm một nửa mức thiệt hại do thất thoát thuế vào năm 2020. Cụ thể là tìm biện pháp lấp các lỗ hổng về thuế và quản lý chặt chẽ hơn những nơi được xem là "thiên đường" trốn thuế. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được thực thi một cách quyết liệt. Rõ ràng, trong bối cảnh lao đao vì thiếu tiền, đói vốn, các nhà lãnh đạo EU mới thấm thía cái giá phải trả của tình trạng thất thu thuế.

Song, theo các nhà quan sát, EU sẽ khó thực hiện được mục tiêu buộc các nước thành viên phải tự nguyện chia sẻ thông tin ngân hàng vào cuối năm nay dù Áo và Luxembourg - hai quốc gia vốn phản đối siết chặt quản lý thuế - đã có ý nhượng bộ. Vấn đề ở chỗ, hai nước này sẵn sàng đàm phán nhưng chỉ với điều kiện EU phải thương lượng đồng thời với cả Thụy Sĩ và các "thiên đường" trốn thuế khác nằm ngay tại "cửa ngõ" của châu lục. Như vậy có nghĩa là cuộc chiến chống gian lận thuế của Châu Âu mới chỉ bắt đầu bằng quyết tâm chính trị. Với nhiều thách thức hiển hiện rõ, không ít ý kiến nghi ngờ rằng, nếu không có những biện pháp mạnh bằng hành động, các cuộc thương lượng sắp tới sẽ nhanh chóng bị sa lầy, đẩy "ngôi nhà chung" Châu Âu đứng trước nguy cơ chia rẽ mới.

Mặc dù các nhà lãnh đạo EU cố tình tránh né, nhưng sự thật là hiện tại hầu hết các nước thành viên đã quá mệt mỏi với bức tranh kinh tế u ám, suy thoái kéo dài. Tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone đã tăng tháng thứ 24 liên tiếp lên trên 10,9%, tương đương với khoảng 19,2 triệu người. Trong đó, thậm tệ nhất là Hy Lạp, chiếm tới 60% và tại Tây Ban Nha là hơn 50% trong giới trẻ. Chính sách khắc khổ đã khiến chính phủ ở hàng loạt quốc gia sụp đổ như Italia, Ireland, Hy Lạp, Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha, Romania và mới đây là chính phủ của Thủ tướng Bulgaria, Boiko Borisov.

Khi Châu Âu gắn kết lại với nhau trong khu vực đồng tiền chung, nhiều người đã tràn trề hy vọng vào một cộng đồng, có sức mạnh ngang ngửa với Mỹ và đối chọi với các thế lực mới nổi. Với riêng người Châu Âu, ý tưởng thị trường chung đã đem đến cho họ một giấc mơ tuyệt diệu, trong đó họ có thể đi lại, sống và làm việc tại bất cứ nơi nào ở Châu Âu - khi giữa các quốc gia không còn ranh giới địa lý và tiền bạc. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu bắt đầu từ cuối năm 2009 và điểm bùng nổ đầu tiên là Hy Lạp đã như một đại dịch lan đến các nước khác như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia, CH Síp... Hàng loạt ngân hàng đứng trước vực thẳm vỡ nợ, các chính phủ bị "bủa vây" bởi nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào và người dân rơi vào tình trạng hoang mang chưa từng có. Đến lúc này, giấc mơ một Châu Âu nhất thể hóa mới bộc lộ nhiều điểm yếu. Mối hoài nghi ngày một lớn thêm khi hành trình giải cứu kéo dài liên miên đụng chạm đến những lợi ích riêng tư của từng quốc gia khiến EU rơi vào tình trạng chia năm xẻ bảy.

Không thể nhớ nổi kể từ khi khủng hoảng nợ nổ ra 3 năm trước, cuộc họp mới nhất đã là hội nghị thượng đỉnh bất thường lần thứ bao nhiêu của EU. Tuy nhiên, những tiến triển chậm chạp của nền kinh tế chung đang ngày càng bào mòn lòng tin của người dân ở Cựu lục địa. Đây sẽ là thách thức lớn nhất đối với số phận của ngôi nhà chung 27 thành viên trong thời gian tới.

Quỳnh Chi/Hànộimới

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn