Nga từng cảnh báo FBI về nghi phạm đánh bom ở Boston
Cập nhật ngày: 22/04/2013 16:17:45
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) từng được các cơ quan an ninh Nga đặc biệt cảnh báo về một trong hai nghi phạm vụ đánh bom Boston vào tháng 11.2012.
Tamerlan Tsarnaev (phải, áo tím) tại một giải thi đấu quyền anh ở thành phố Salt Lake, bang Utah (Mỹ) ngày 5.4.2009 - Ảnh: AFP
Kênh truyền hình NBC News (Mỹ) hôm 21.4 đưa tin, FBI bị cáo buộc đã bỏ qua cảnh báo sớm về Tamerlan Tsarnaev, nghi phạm 26 tuổi đã bị bắn chết sau cuộc đọ súng với cảnh sát ở thị trấn Watertown.
Tsarnaev được cho là đã gặp gỡ một lực lượng phiến quân Hồi giáo khét tiếng tại một đền thờ đạo Hồi ở Cộng hòa Dagestan thuộc Liên bang Nga đến sáu lần.
Các cuộc gặp gỡ diễn ra trong một chuyến thăm gia đình tại thành phố Makhachkala thuộc Cộng hòa Dagestan kéo dài sáu tháng của Tsarnaev, NBC cho hay.
Một cảnh sát thành phố Makhachkala cho biết hồ sơ về Tsarnaev sau đó đã được gửi đến FBI kèm theo lời yêu cầu cung cấp thêm thông tin về người này. Tuy nhiên, FBI đã không hồi âm.
FBI cũng đã thừa nhận từng phỏng vấn Tamerlan Tsarnaev vào năm 2011 sau khi phía Nga cho biết họ ngày càng lo ngại rằng người này sẽ trở thành một phần tử Hồi giáo cực đoan.
Tuy nhiên, FBI đã không thể tìm ra “một vi phạm pháp lý nào” để khép tội Tsarnaev và do đó đã ngừng theo đuổi hồ sơ do phía Nga cung cấp.
Trong một tình tiết khác, kênh Channel 4 News (Anh) đưa tin hôm 21.4 cho biết, Tsarnaev đã gọi điện thoại về nhà sau vụ đánh bom và nói với mẹ mình rằng FBI đã gọi để buộc tội anh ta là người thực hiện vụ đánh bom.
Cũng theo bản tin của Channel 4 News, Tsarnaev gọi điện cho mẹ vào hôm 19.4 và nói đã đáp lại cáo buộc của FBI rằng: “Đó là việc của các người”.
FBI đã từ chối bình luận về thông tin nói trên.
Ông Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa của Hạ viện Mỹ, cho rằng FBI phải giải thích lý do vì sao cơ quan này ngưng theo dõi Tsarnaev sau cuộc phỏng vấn 2011, đặc biệt là sau khi người này đã về thăm gia đình tại Dagestan, vốn được xem như nơi tập trung nhóm phiến quân Hồi giáo và các trại huấn luyện quân sự của nhóm này.
“Một trong những điều đầu tiên anh ta làm (sau khi quay về từ Dagestan) là đăng tải hàng đống những lời đe dọa thánh chiến Hồi giáo. Theo đánh giá của tôi, rõ ràng đã có điều gì đó xảy ra với anh ta trong chuyến đi sáu tháng đó. Anh ta đã bị cực đoan hóa tại một thời điểm nào đó trong khoảng thời gian này. Vậy điều đó đã xảy ra khi nào và ở đâu?”, ông McCaul bức xúc nói với CNN.
Ngoài ra, tờ New York Times còn đưa tin cho biết hồ sơ xin nhập quốc tịch Mỹ của Tsarnaev đã bị Bộ An ninh Nội địa Mỹ dán nhãn “Chờ” sau khi phát hiện FBI có điều tra về người này.
FBI bị cáo buộc là đã không giải thích vì sao không ngay lập tức thu hồi hồ sơ của Tsarnaev sau khi vụ đánh bom diễn ra, một sự kiện mà lẽ ra phải khiến cơ quan này lập tức kiểm tra lại hồ sơ các nghi phạm có dính líu đến các nhóm phiến quân Hồi giáo.
Ba ngày sau vụ đánh bom, khi FBI đã tìm thấy chính xác nhận dạng của nghi phạm vụ đánh bom nhờ kiểm tra các video thu thập từ máy quay an ninh công cộng và điện thoại di động của người dân, họ cũng đã không phát hiện ra rằng họ đã có hồ sơ về nghi phạm.
Khi tờ Telegraph (Anh) yêu cầu giải thích vì sao hồ sơ của Tsarnaev đã không được FBI rà soát lại sau vụ đánh bom, thì cơ quan này cho biết không bình luận về “vấn đề có liên quan đến chiến dịch điều tra”.
Theo Hoàng Uy/Thanh Niên Online