Nghi án tình dục ở Sứ quán Philippines
Cập nhật ngày: 26/06/2013 08:26:49
Những nữ công nhân Philippines tuyệt vọng vì mất việc ở Trung Đông tiếp tục bị lạm dụng bởi chính những người đồng hương có trách nhiệm bảo vệ họ.
Ba nạn nhân tố giác trên Đài ABS-CBN - Ảnh: chụp từ website của ABS-CBN
Theo Cục Lao động nước ngoài của Philippines, quốc gia 95 triệu dân này có khoảng 10% dân số sống ở nước ngoài. Trong đó, khoảng 1,85 triệu người (số liệu năm 2011) làm việc tại các nước theo diện hợp đồng xuất khẩu lao động có thời hạn, gọi tắt là OFW. Lực lượng OFW này hằng năm đóng góp trên dưới 10% GDP của Philippines.
Các nước Trung Đông chiếm 5 vị trí trong danh sách 10 thị trường xuất khẩu lao động trên đất liền hàng đầu của Philippines với trên dưới 60% tổng OFW khắp thế giới. Tuy nhiên, tại đây, lao động Philippines phải đối mặt với nhiều bi kịch nhất, từ ngược đãi, lạm dụng tình dục cho đến quỵt lương. Thêm vào đó, bất ổn chính trị ở khu vực trong 2 năm qua khiến hàng chục ngàn OFW bị mất việc, phải sống tạm bợ trong các trại tập trung của Văn phòng lao động Philippines ở nước ngoài (POLO) do một tùy viên của Sứ quán Philippines ở nước sở tại phụ trách. Hy vọng của những OFW này là sớm được về nước hoặc tìm được việc làm.
Đổi tình lấy vé máy bay
Nửa đêm 1.1.2013, những công nhân ở trại POLO trong khuôn viên Đại sứ quán Philippines ở Syria tận mắt chứng kiến một nam nhân viên sứ quán đang “gần gũi” với một nữ OFW sống nhờ tại đây. Người đàn ông này được nhận diện là thành viên Nhóm tăng cường của Bộ Ngoại giao Philippines. Còn tại Jordan, nhiều người không lạ gì chuyện một thành viên cao cấp của POLO cho phép các nữ OFW ra khỏi trại vào ban đêm để phục vụ tình dục cho những người đàn ông giàu có. Ông này bị cáo buộc thu phí đến 1.000 USD một đêm từ mỗi cô gái. Trong khi đó, tại Kuwait, một người đàn ông địa phương được POLO thuê đã lạm dụng chức vụ của mình để buộc các nữ OFW “đổi tình lấy việc làm”.
Từ lâu đã có nhiều tố giác từ người trong cuộc cũng như chính quyền địa phương. Tuy nhiên, tất cả đều rơi vào im lặng cho đến ngày 18.6, khi Chủ tịch Ủy ban Lao động ngoài nước của Hạ viện Philippines là Walden Bello nêu vấn đề tại một cuộc họp. Theo báo The Manila Times, ông Bello nói thẳng tên 3 nghi can ở trên lần lượt là một ông họ Kim, ông Mario Antonio và ông Blas Marquez.
Sau động thái của nghị sĩ Bello, 3 nạn nhân nữ cùng 1 nhân chứng trở về từ thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê Út đã đến Đài truyền hình ABS - CBN để kể lại câu chuyện tủi nhục của họ. Xuất hiện trên truyền hình với tên giả và dung mạo được che kín, Michelle, Analisa và Angel vạch mặt Phó tùy viên lao động ở Riyadh là Antonio Villafuerte đã lạm dụng họ. “Nếu cô muốn về nước sớm, hãy làm việc bán thời gian đi”, Angel thuật lại lời Villafuerto nói với mình. Công việc “bán thời gian” mà Villafuerto đề cập chính là “lên thiên đường một đêm” với những gã nhà giàu bản địa để có tiền mua vé máy bay về nước. Angel từng giúp việc nhà và bị người chủ cưỡng hiếp phải bỏ trốn, đến nhờ cậy sự hỗ trợ của sứ quán nên “đề nghị” của Villafuerto khiến cô choáng váng.
Trong khi đó, Michelle cáo buộc Villafuerto sàm sỡ và bán cô cho một người đàn ông Ai Cập. “Cô gái này không có vé máy bay về nước, ông mua cho cô ta một chiếc vé nhé”, Villafuerto nói với khách hàng và ông này đã mua vé máy bay cho Michelle sau khi “lên thiên đường” với cô. Các nạn nhân cho rằng còn nhiều trường hợp rơi vào cái bẫy “làm việc bán thời gian” tương tự.
Chính quyền vào cuộc
Những cáo buộc trên khiến dư luận Philippines rúng động. Một công dân nước này làm việc cho Chương trình Phát triển LHQ tại thủ đô Manila nói với Thanh Niên: “Tôi thấy cực kỳ đau lòng cho họ. Tôi nghĩ chuyện này cũng xảy ra ở những nơi khác. Có điều ở Trung Đông thì loạn ra bởi chúng tôi có hàng triệu công nhân ở đó”.
Bộ Ngoại giao (DFA) và Bộ Lao động Philippines (DOLE) đã vào cuộc. Ngày 21.6, Ngoại trưởng Albert del Rosario và Bộ trưởng Lao động Danilo Cruz đã gặp gỡ 3 nạn nhân. Sau đó, Ngoại trưởng Rosario cho hay ông có thể khẳng định các cáo buộc trên là đúng và Villafuerto đã bị DOLE triệu tập về nước để phục vụ điều tra. Ông Rosario cũng khẳng định chính phủ Philippines bảo đảm vé máy bay cho công dân về nước thông qua Cơ quan Bảo trợ lao động ở nước ngoài nên việc lao động nữ phải bán dâm ở xứ người để có tiền mua vé “lẽ ra không thể xảy ra”. Trong hai ngày 21 - 22.6, ông Rosario đã triệu hồi các đại sứ từ 13 quốc gia có đông OFW và Tổng lãnh sự tại Hồng Kông, để tham vấn tìm giải pháp chấm dứt tình trạng lạm dụng lao động ở nước ngoài.
Tuy nhiên, tới nay, những người nằm trong cáo buộc của nghị sĩ Bello vẫn “bình an” bởi “chưa có tố cáo chính thức từ các nạn nhân”. Một viên chức lãnh sự của Philippines ở Chicago (Mỹ) nói với Thanh Niên: “Không thể cách chức họ ngay vì luật pháp không cho phép. Mọi việc phải đi qua quy trình hoàn chỉnh. Hình phạt nặng nhất có thể lúc này là tạm đình chỉ công việc và không trả lương thôi”.
Trong bài xã luận hôm 24.6, báo Inquirer đề nghị chính quyền bắt tay điều tra dựa trên những cáo buộc miệng, thay vì đợi đến khi có tố cáo chính thức bằng văn bản. Tờ báo gợi ý Văn phòng Tổng thống và các cơ quan chức năng khác vào cuộc, cam kết bảo vệ an toàn cho người tố giác.
Thục Minh/Thanh Niên