Nỗ lực “hạ nhiệt” trên bán đảo Triều Tiên
Cập nhật ngày: 14/04/2013 08:04:46
Bất chấp tuyên bố của Ngoại trưởng John Kerry trong chuyến thăm Seoul ngày 12-4 khẳng định Mỹ sẽ bảo đảm an ninh tuyệt đối cho các đồng minh ở Đông Bắc Á, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao khi thời gian biểu Triều Tiên dự kiến thực hiện một vụ thử hạt nhân thứ tư vào ngày 15-4 đã cận kề. Những gì diễn ra suốt tuần qua cho thấy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".
Diễn ra vào thời điểm khá nhạy cảm khi các nguồn tin cho thấy Triều Tiên đã sẵn sàng cho một vụ thử tên lửa mới, chuyến công du tới ba quốc gia Đông Bắc Á trong ba ngày cuối tuần được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm. Thông điệp quan trọng mà Ngoại trưởng John Kerry đưa ra sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Yun Byung Se ở thủ đô Seoul khiến dư luận chú ý khi Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố muốn Hàn Quốc ưu tiên cho các biện pháp ngoại giao để hóa giải căng thẳng hiện nay trên bán đảo. Trên tinh thần đó, hai bên sẽ nối lại thỏa thuận viện trợ năm 2005 hiện không còn hiệu lực, cũng như sẵn sàng thực hiện các cam kết trong Tuyên bố chung sáu bên - trong đó có thỏa thuận Triều Tiên phi hạt nhân hóa để đổi lấy hàng viện trợ - nếu Bình Nhưỡng thực thi "những bước đi có ý nghĩa" nhằm giải trừ hạt nhân...
Hoan nghênh những tiến bộ trong xây dựng lòng tin mà Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đề xuất thời gian qua, Ngoại trưởng J.Kerry cũng thừa nhận rằng, để có thể giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, đòi hỏi sự hợp tác tích cực của các bên liên quan, nhất là Trung Quốc. Cùng với việc điều chỉnh chiến lược đối phó với Triều Tiên, Mỹ cũng muốn Trung Quốc - đồng minh gần gũi nhất của Triều Tiên - hành động nhiều hơn nữa. Đây cũng là một trong những nội dung được Ngoại trưởng J.Kerry bàn thảo với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc hội đàm ngày 13-4 tại Bắc Kinh. Dường như mong muốn của Washington đã nhận được thiện chí từ Bắc Kinh khi Trung Quốc khẳng định quyết tâm bảo vệ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại hòa bình. Cùng với Mỹ và Trung Quốc, Nga cũng đang nỗ lực để hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên khi bày tỏ ủng hộ ý tưởng của Thụy Sĩ tổ chức cuộc đàm phán sáu bên trong thời gian sớm nhất có thể.
Như vậy, không có nghĩa mọi nguy cơ dẫn đến bất ổn trên bán đảo Triều Tiên đã được hóa giải. Ngược lại, những thông tin của Mỹ và Hàn Quốc 24 giờ qua cho thấy rất có thể nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ cho thực hiện phóng thử một hoặc hai tên lửa cùng lúc, gồm tên lửa Scud, tên lửa tầm trung Rodong và có thể là tên lửa tầm trung Munsudan mới được di chuyển tới bờ biển phía Đông của nước này. Với tầm bắn 3.000km đến 4.000km, tên lửa Musudan được cho là có khả năng công phá các căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam và mọi mục tiêu trên lãnh thổ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nhằm đối phó với tình huống bất ngờ có thể xảy ra từ Triều Tiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-2 có khả năng bắn hạ tên lửa và máy bay chiến đấu ở độ cao 30km. Cùng với công tác chuẩn bị kỹ các biện pháp ứng phó với tình huống Triều Tiên phóng tên lửa, tiếp tục thu thập thông tin cũng như duy trì liên lạc chặt chẽ với Mỹ và Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã lên kế hoạch sử dụng tên lửa hạm đối không SM3 trên hai tàu hộ tống Aegis triển khai ở biển Nhật Bản để bắn hạ tên lửa Triều Tiên ngay trên tầng khí quyển khi xác định khả năng tên lửa đó bay vào lãnh thổ Nhật Bản. Ngoài ra, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe tiếp tục duy trì hệ thống đánh chặn đất đối không Patriot (PAC-3) để bảo vệ Tokyo trước mọi tình huống có thể xảy ra.
Bán đảo Triều Tiên đang đứng trước nguy cơ leo thang căng thẳng mới khi thời gian để các cuộc phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng bước vào "Giờ G". Một cuộc chiến là khó có thể xảy ra nhưng mọi động thái từ bán đảo Triều Tiên cũng như các bên liên quan sẽ tiếp tục là tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận, ít nhất là trong 24 giờ tới.
Ngày 13-4, Mỹ và Hàn Quốc đã đề xuất nối lại thỏa thuận viện trợ năm 2005 - hiện không còn hiệu lực - với Triều Tiên, theo đó tạo điều kiện để Bình Nhưỡng thực thi "những bước đi có ý nghĩa" nhằm giải trừ hạt nhân. Trong tuyên bố chung đưa ra khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kết thúc chuyến thăm đầu tiên tới Seoul, hai nước đã nhất trí đặt trọng tâm vào biện pháp ngoại giao nhằm giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. |
Theo Đình Hiệp/Báo Hànộimới