Nói không với bảo hộ sẽ cứu kinh tế toàn cầu

Cập nhật ngày: 10/10/2016 04:10:18

Từ ngày 7 đến 9-10 (giờ địa phương), hội nghị thường niên mùa thu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) đã diễn ra tại thủ đô Washington, Mỹ. Tại cuộc họp lần đầu tiên của IMF và WB sau sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde đã phải than phiền rằng: “Tình trạng tăng trưởng thấp đã kéo dài quá lâu rồi, đó là điều các nhà lãnh đạo phải hết sức quan tâm”.  


Quang cảnh một cuộc họp ở hội nghị thường niên mùa thu của IMF và WB

Tập trung cho tăng trưởng

Lời than thở của bà Lagarde được đưa ra sau khi Tổ chức Thương mại thế giới hồi tuần trước đã cắt giảm dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu xuống còn 1,7% trong năm 2106, tốc độ chậm nhất kể từ năm 2007 và thấp hơn nhiều mức 2,8% như dự báo được đưa ra hồi tháng 4.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew đã kêu gọi IMF phải mạnh mẽ hơn trong việc thúc đẩy 189 quốc gia thành viên IMF theo đuổi chính sách kinh tế tập trung vào tăng trưởng. Ông Lew cho rằng những quốc gia có thặng dư ngân sách hay thương mại như Đức nên góp phần hơn nữa trong thúc đẩy tiêu dùng và kích thích nhu cầu toàn cầu. “Chúng ta không được phép đóng mình với thế giới mà phải tăng gấp đôi cam kết của chúng ta trong việc đảm bảo chia sẻ tăng trường với toàn cầu”, ông Lew nhấn mạnh.

Cùng chia sẻ quan điểm với ông Lew, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin nhấn mạnh thêm rằng các nhà lãnh đạo toàn cầu cũng phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề bất bình đẳng và bất công trong quá trình phát triển hiện nay, đơn cử như vấn đề trốn thuế của các tập đoàn lớn hay thất nghiệp tràn lan. Mục tiêu tăng trưởng là chưa đủ mà phải là tăng trưởng đồng đều, bền vững mới giúp được những người dân nghèo trên thế giới thoát cảnh khó khăn.

Nói không với bảo hộ

Một mối lo khác khiến IMF và WB quan ngại đó là tâm lý chống toàn cầu hóa đang gia tăng trên thế giới hiện nay. Các nhà lãnh đạo tài chính đều cho rằng chống tự do hóa thương mại là mối nguy cho kinh tế và cuộc sống người dân toàn cầu. Bà Lagarde khẳng định tiến trình toàn cầu hóa thời gian qua đã đem lại rất nhiều lợi ích cho các quốc gia cũng như bản thân mỗi người dân và giờ không phải là lúc đi ngược lại tiến trình này. Bà viện dẫn ví dụ điển hình cho thấy những lợi ích mà toàn cầu hóa mang lại. Theo bà Lagarde, trong những thập kỷ qua, thương mại quốc tế đã thúc đẩy tăng trưởng và giúp những quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ thoát khỏi tình trạng nghèo đói nghiêm trọng. Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney thì nhận nhận định mặc dù tự do thương mại đã giúp hàng trăm triệu người thoát cảnh nghèo khổ và mang lại nhiều cơ hội cho họ, song vẫn còn những thách thức trong việc phân bổ những lợi ích và thành quả một cách hiệu quả.  

Mặc dù các tổ chức quốc tế và những nền kinh tế hàng đầu thế giới từ lâu đều kêu gọi việc thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa, song vấn đề này đang vấp phải sự phản đối ngày càng tăng của nhiều người dân trên thế giới. Tại Mỹ, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump đã tuyên bố phản đối các thỏa thuận thương mại tự do, đưa ra những đề xuất về chính sách kinh tế có nguy cơ châm ngòi chiến tranh thương mại với Trung Quốc, cũng như áp thuế nhập khẩu đối với Mexico. Tỷ phú này cũng tuyên bố nếu đắc cử tổng thống Mỹ, ông sẽ khiến những đề xuất trên ngay lập tức có hiệu lực. Trong khi đó, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Brexit cũng có nguy cơ thúc đẩy các quốc gia khác quay lưng lại với việc hội nhập kinh tế châu Âu. Do đó, quá trình đàm phán các hiệp định nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại quốc tế, trong đó có Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và Liên minh châu Âu cũng đối mặt với sự phản đối tại châu Âu.

ĐỖ CAO/SGGPO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn