Thái Lan lo ngại bất ổn trở lại

Cập nhật ngày: 08/08/2013 09:56:18

Dự luật ân xá đang gây nhiều tranh cãi ở Thái Lan và dự báo bất ổn xã hội sẽ trở lại với nước này.


Cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva (giữa), lãnh đạo đảng đối lập,
đến trụ sở Quốc hội ngày 7-8. Ảnh: THX

Ngày 7-8, Quốc hội Thái Lan bắt đầu tranh luận về dự luật ân xá do Đảng Pheu Thai cầm quyền đề xuất, trong lúc những người biểu tình chống Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra vẫn kiên quyết nói không với dự luật này bằng các cuộc tuần hành quy mô lớn. Những người biểu tình cho rằng, nếu dự luật được thông qua sẽ mở đường cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đang sống lưu vong trở về nước mà không chịu mức án nào, mặc dù ông từng bị kết án vắng mặt 2 năm tù vì tội tham nhũng, lạm dụng quyền lực.

Các nhà chức trách triển khai 4.800 nhân viên cảnh sát, lập thành hàng rào để ngăn chặn dòng người biểu tình bao vây Văn phòng Chính phủ và Quốc hội. An ninh được thắt chặt tại thủ đô Bangkok.

Hãng Reuters cho biết, lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập - cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva và 50 nghị sĩ dẫn đầu cuộc tuần hành của khoảng 2.500 người tiến về phía trụ sở Quốc hội. Ông Abhisit nói rằng, hành động của ông không đơn thuần là tổ chức đám đông biểu tình mà phải “cho người dân thấy thật sự về sự nguy hiểm của dự luật ân xá”. Ông kêu gọi những người ủng hộ mình xuống đường phản đối dự luật này một cách hợp pháp, thay vì kích động bạo lực.

Theo ông Abhisit - người từng nắm quyền ở Thái Lan trong vụ bất ổn vào năm 2010, luật ân xá được ban hành sẽ xóa bỏ tội trạng cho những người liên quan đến các sự kiện chính trị từ sau cuộc đảo chính tháng 9-2006, ngày quân đội lật đổ ông Thaksin. Hầu hết những người bị truy tố là thành viên phong trào áo đỏ, lực lượng ủng hộ Thaksin. Song, dự luật này không miễn tội cho các lãnh đạo biểu tình.

Em gái của ông Thaksin, Thủ tướng đương nhiệm Yingluck Shinawatra, bị chỉ trích là đang tìm cách để đưa ông về nước. Với nhiều người Thái Lan, cựu Thủ tướng Thaksin vẫn là vị cứu tinh của dân nghèo và người dân ở khu vực nông thôn nhờ các chính sách dân túy hiệu quả của ông. Trong khi đó, những người chống đối lại xem ông là thương gia - chính trị gia tham nhũng, nắm quyền lực để làm giàu cho chính mình và không tôn trọng Nhà vua Bhumibol Adulyadej.

Mọi rắc rối của ông Thaksin và căng thẳng chính trị ở Thái Lan bắt đầu từ vụ đảo chính năm 2006. Quân đội đã lật đổ ông sau những cuộc biểu tình quy mô lớn kêu gọi nhà lãnh đạo này từ chức. Năm 2010, ông Abhisit làm Thủ tướng và đối mặt với làn sóng biểu tình của phe áo đỏ. Trong vụ bất ổn nghiêm trọng này, hơn 90 người đã thiệt mạng và 1.900 người khác bị thương, gồm cả người biểu tình lẫn lực lượng an ninh. Ông Abhisit bị cáo buộc ra lệnh sử dụng đạn thật dẫn đến những cái chết của thường dân.

Sau nhiều năm, Thái Lan vẫn bị chia rẽ vì sự bất ổn chính trị. Các nhà phân tích thị trường tài chính đang lo lắng về khả năng bất ổn này sẽ trở lại, nhất là khi có những tin đồn nguy cơ đảo chính một lần nữa và người nước ngoài bán tháo cổ phiếu trong những phiên giao dịch gần đây.

THIÊN BÌNH/ĐNO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn