Trung Quốc bị tố “thăm dò” các vị trí của Ấn Độ

Cập nhật ngày: 04/05/2013 14:49:50

Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã “thăm dò” các vị trí và hệ thống phòng thủ của Ấn Độ ở vùng Daulat Beg Oldi thuộc khu vực Ladakh tại ít nhất 3 chỗ trước khi một trung đội Trung Quốc xâm nhập sâu đến 19 km vào lãnh thổ Ấn Độ và lập lán trại vào ngày 15.4, theo The Times of India.


Binh sĩ Ấn Độ tại khu vực biên giới với Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Theo báo The Times of India ngày 4.5, trong khi Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ, tướng Bikram Singh một lần nữa thảo luận về tình trạng căng thẳng quân sự kéo dài với Cố vấn An ninh Quốc gia Shiv Shankar Menon ngày 3.5, các nguồn tin cho biết những hình ảnh do các máy bay do thám chụp được cho thấy lính PLA đã thực hiện đồng thời 3 cuộc xâm nhập vào các khu vực tiếp giáp nhau tại Daulat Beg Oldi hồi giữa tháng 4.

Trong khi các trung đội PLA khác trở lại căn cứ của họ ở bên kia Đường kiểm soát thực tế (LAC), biên giới không chính thức giữa Ấn Độ và Trung Quốc, 32 binh sĩ PLA đã ở lại khu vực Depsang trong lần xâm nhập mới nhất, trong một động thái đe dọa cắt đứt sự tiếp cận của Ấn Độ với khoảng 750 km vuông ở phía bắc Ladakh.

Ba cuộc họp song phương diễn ra vào các ngày 18, 23 và 30.4 đã không thể phá vỡ tình trạng bế tắc, do Trung Quốc khăng khăng đòi Ấn Độ phá dỡ chốt theo dõi ở Chumar vốn có thể quan sát các vị trí của Trung Quốc và bám sát những sự điều động binh lính ở đó, trong khi Ấn Độ yêu cầu lính Trung Quốc rút trở lại vị trí trước cuộc xâm nhập vào ngày 15.4.

Ấn Độ gần đây đã tăng cường củng cố cơ sở hạ tầng biên giới nhằm đối phó với hoạt động tương ứng của Trung Quốc dọc đường LAC dài 4.057 km trong 20 năm qua. Trong khi Trung Quốc cảm thấy “khó chịu” với việc Ấn Độ khôi phục lại các sân bay ở các khu vực Daulat Beg Oldi, Fukche và Nyoma cũng như hoạt động tuần tra cấp tập của các binh sĩ Ấn Độ, thì chốt Chumar dường như là điểm gây tranh cãi chính.

Lực lượng Ấn Độ đã chặn bắt 2 người Trung Quốc cưỡi la băng qua chốt Chumar vào tháng 6.2012. Tuy 2 người này đã được phóng thích sau đó, nhưng Trung Quốc đã tỏ ra bất bình về vụ việc vì cho rằng đó không phải là những nhân viên quân sự. Kể từ đó, Bắc Kinh đã gây sức ép đòi Ấn Độ phá dỡ chốt Chumar.

Theo Trùng Quang/Thanh Niên online

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn