Tướng Giáp - Tài năng thiên bẩm khiến người Pháp ngưỡng mộ
Cập nhật ngày: 12/10/2013 07:21:14
Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng quốc gia Pháp: “Tướng Giáp là người đối thoại vĩ đại”.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Jean Dufourcq
“Với cựu binh Pháp, Tướng Giáp luôn là người đối thoại vĩ đại. Ý chí dân tộc mạnh mẽ cùng với tài năng quân sự thiên bẩm đã đưa ông trở thành một nhân vật lịch sử, một nhà ái quốc mà người Pháp chúng tôi ngưỡng mộ”. Đó là lời khẳng định của Tướng Jean Dufourcq - Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng quốc gia của Pháp - khi trả lời PV VOV thường trú tại Pháp.
PV: Ông nhận định như thế nào về chiến lược quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua các trận đánh?
Ông Jean Dufourcq: Điện Biên Phủ là sự kiện lịch sử khiến mọi người biết đến Tướng Giáp nhiều nhất. Ông đã thể hiện tất cả tài năng của mình, ý chí, tài cầm quân siêu việt và nhất là tầm nhìn về tổ chức hậu cần.
Nhưng điều khiến tôi quan tâm, ở cương vị một Tổng Biên tập của Tạp chí Quốc phòng quốc gia Pháp, một trong những tạp chí về chiến lược quân sự lâu đời nhất, đó là định mệnh, là cuộc đời của con người kỳ lạ này, một chính trị gia, một quân nhân, một người anh hùng dân tộc của Việt Nam.
Một điểm nổi bật khác cũng khiến tôi rất quan tâm là chiến lược của ông khi xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh kéo dài từ biên giới Việt-Trung xuống tận phía Nam.
Về tầm vóc quân sự, trận Điện Biên Phủ đúng là lớn nhất, nhưng theo tôi, có 2 việc quan trọng hơn nữa mà Tướng Giáp đã làm được. Thứ nhất, đó là việc ông đã tập hợp, xây dựng từ một nhóm quân nhỏ bé, thiếu thốn trở thành một đội quân có tổ chức, các tiểu đoàn, sư đoàn đủ sức đối kháng với quân đội Pháp. Việc thứ hai, đó là Tướng Giáp đã mở ra khu vực kháng chiến nối liền từ biên giới Việt-Trung xuống Bắc Bộ. Ông đã chỉ huy những trận đánh tuyệt diệu dọc Quốc lộ 4 ở Cao Bằng, Lạng Sơn, đã mang đến những chiến thắng nền tảng để từ đó đội quân biến thành các tiểu đoàn. Cũng từ đó, con đường tiếp vận mở ra đến biên giới Trung Quốc.
Nói cách khác, Tướng Giáp đã xây dựng được một điểm tựa bên ngoài biên giới, một vành đai quân sự - hậu cần để từ đó gây sức ép và đánh bại quân đội Pháp trên các mặt trận ở miền Bắc Việt Nam.
Ý chí dân tộc mạnh mẽ đã biến Tướng Giáp trở thành một trong những người lo lắng nhất, quyết tâm nhất, mạnh mẽ nhất trong việc giành độc lập cho Việt Nam, biến ông thành một nhân vật lịch sử, một nhà ái quốc mà người Pháp chúng tôi ngưỡng mộ. Tôi nghĩ đến Bonaparte, người mà Tướng Giáp cũng rất ngưỡng mộ.
PV: Trong nhiều tác phẩm nghiên cứu của các học giả Pháp, Tướng Giáp luôn nhận được sự tôn trọng từ các cựu binh sĩ, sĩ quan Pháp và ngược lại, Tướng Giáp cũng luôn tôn trọng các tướng Pháp như Leclerc hay Navarre. Ông có nghiên cứu những nhận xét của binh lính Pháp đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp?
Ông Jean Dufourcq: Với các cựu binh Pháp, Tướng Giáp luôn là một người đối thoại vĩ đại. Ông được nhìn nhận trước hết như là một nhà chính trị rồi mới là nhà quân sự. Ông có tài năng thiên bẩm về quân sự nhưng có ý thức trách nhiệm về chính trị. Ông có một cam kết chiến lược để phục vụ đất nước dù ông không trải qua đào tạo về quân sự. Ông đã tự học trên chiến trường, trên đường sang Trung Quốc, nơi ông gặp và ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là tài năng mà ông đã phát triển, dựa trên một tư duy biện chứng cực kỳ mạnh mẽ khi phân tích và đánh giá về đối phương.
Các bạn có thể nhớ lại giai đoạn đặc biệt ở cuộc chiến Điện Biên Phủ, khi Tướng Giáp từ chối đưa ra lệnh tấn công vì ông chờ đợi Tướng Navarre “hạ nhiệt”. Đó là một tư duy biện chứng quân sự xuất sắc mà ông đã học được trong những bài học vệ quốc của người Việt Nam trước Trung Hoa.
Về điều đó, người Pháp cũng đã học được trong các trận chiến với quân Đức trong Thế chiến II, thế nên khi tìm hiểu Tướng Giáp, các bên đã nghiên cứu, hiểu ra và dành cho nhau sự đánh giá cao và tôn trọng.
PV: Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng nói rằng ông sẽ chỉ là một thầy giáo dạy Sử nếu không có chiến tranh, và ông mong muốn là một “Vị tướng của hòa bình, chứ không phải của chiến tranh”. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Jean Dufourcq: Đúng, vì Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một con người dân tộc chủ nghĩa. Ông không chấp nhận quân đội Tưởng vào Bắc Bộ, không chấp nhận người Pháp quay lại vào năm 1945, không chịu đựng người Mỹ. Vì thế, ông trước hết là một con người ái quốc, với tầm nhìn rất rõ ràng, không chấp nhận một quốc gia nào khác định đoạt số mệnh của đất nước Việt Nam. Ngay cả ý tưởng một Việt Nam tự trị nằm trong Liên hiệp Pháp cũng chỉ được ông chơi như một quân bài với người Pháp vì ông hiểu rõ người Pháp. Nhưng ông không bao giờ nhân nhượng với việc đất nước Việt Nam lại không được điều hành bởi những người Việt Nam.
PV: Trong những ngày qua, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, nhiều học giả và các tờ báo của Pháp, dù là cánh tả hay cánh hữu, đều đã dành rất nhiều bài viết thể hiện sự đánh giá cao và trân trọng đối với con người này. Ông có nghĩ Tướng Giáp là một cầu nối biểu tượng cho quan hệ giữa Việt Nam và Pháp?
Ông Jean Dufourcq: Quan hệ giữa hai đất nước chúng ta được nuôi dưỡng bởi rất nhiều điểm chung, từ rất lâu đời rồi. Nó cũng được nuôi dưỡng bởi một giai đoạn bi kịch trong quá khứ. Nhưng kết thúc chiến tranh, các tướng lĩnh, quân nhân Pháp đã rất tôn trọng Tướng Giáp, giống như Tướng Giáp tôn trọng các quân nhân Pháp. Đó là một lí do vì sao nước Pháp đã đứng ra làm trung gian hòa giải cho việc ký kết Hiệp định Paris, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973. Sự tôn trọng lẫn nhau đó tạo cho chúng ta sự hiểu biết mạnh mẽ cho đến ngày nay và trước mắt chúng ta là mối quan hệ đối tác chiến lược vừa được ký kết để cùng phát triển, nâng cao vai trò của mỗi quốc gia trên bình diện toàn cầu./.
Xin cảm ơn ông!
Thùy Vân- Đào Dũng/VOV