WHO: Covid-19 khiến nhân loại mất đi hơn 336 triệu năm tuổi thọ

Cập nhật ngày: 20/05/2023 09:43:55

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính khoảng 14,9 triệu người đã tử vong do các lý do liên quan Covid-19, qua đó rút ngắn 336,8 triệu năm tuổi thọ của người dân trên toàn thế giới.


Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 tại Melbourne, Australia (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong một báo cáo ngày 19/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trong 2 năm đầu bùng phát, đại dịch Covid-19 đã cướp đi gần 337 triệu năm tuổi thọ của con người trên toàn thế giới.

Những số liệu thống kê cho thấy đại dịch Covid-19 tàn phá toàn cầu và cướp đi sinh mạng của gần 7 triệu người trên thế giới tính đến thời điểm này. Tuy nhiên, con số trên thực tế được cho là gần 20 triệu người đã tử vong do đại dịch.

Theo số liệu chính thức của WHO, trong giai đoạn 2020-2021 - khoảng thời gian dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, thế giới ghi nhận khoảng 5,4 triệu ca tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 và những biến thể của virus này.

Tuy nhiên, WHO cũng ước tính khoảng 14,9 triệu người đã tử vong do các lý do liên quan Covid-19, qua đó rút ngắn 336,8 triệu năm tuổi thọ của người dân trên toàn thế giới.

Báo cáo của WHO chỉ ra rằng nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là sự bất bình đẳng trong xã hội, cũng như việc hạn chế trong khả năng tiếp cận vaccine tại nhiều khu vực.

Theo cơ quan trên, đại dịch Covid-19 đã làm lu mờ nhiều tiến bộ trong dịch vụ y tế mà toàn cầu đã đạt được trong những năm qua.

WHO cho biết, trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, thế giới đã chứng kiến những sự cải thiện đáng kể trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, trong đó, tỷ lệ tử vong của nhóm đối tượng này đã giảm xuống lần lượt hơn 30% và gần 50% trong giai đoạn 2000-2010.

Tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm như: HIV/AIDS, lao, sốt rét, cũng như nguy cơ tử vong sớm do các bệnh mạn tính cũng giảm một cách đáng kể. Tuổi thọ trung bình toàn cầu tăng từ mức 67 tuổi ghi nhận trong năm 2000, lên 73 tuổi trong năm 2019.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã "cuốn phăng" những nỗ lực cải thiện dịch vụ y tế nhiều năm qua, làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, tiêm chủng định kỳ và các vấn đề tài chính.

Ngoài ra, báo cáo công bố thường niên của WHO cũng cho thấy mối đe dọa ngày càng lớn của các bệnh mạn tính không lây (NCD) như: bệnh tim mạch, ung thư và tiểu đường.

Cụ thể, trong năm 2019 có đến 74% số ca tử vong trên thế giới là những trường hợp mắc NCD, tăng 13% so năm 2000. Trước xu hướng này, WHO cảnh báo "các bệnh NCD sẽ là nguyên nhân gây ra 86% trong số 90 triệu ca tử vong trên thế giới mỗi năm vào giữa thế kỷ này".

Tuy các nguy cơ gây bệnh như: việc tiếp xúc khói thuốc lá, uống rượu, điều kiện vệ sinh và chất lượng nguồn nước đã được cải thiện, nhưng một số rủi ro khác như ô nhiễm không khí vẫn ở mức cao.

Bên cạnh đó, tỷ lệ béo phì trên thế giới cũng đang ở mức đáng báo động.

Trước thực trạng trên, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước tăng cường đầu tư cải thiện hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe, qua đó đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong tương lai.

Theo TTXVN/NDO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn