Bảo quản thực phẩm an toàn trong ngày Tết

Cập nhật ngày: 13/01/2023 11:08:54

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được nhiều người quan tâm, nhất là trong những ngày giáp Tết, vì nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe con người mà còn liên quan đến các vấn đề khác của Quốc gia.


Nguồn Internet

Theo quan niệm truyền thống, mỗi khi Tết đến, người dân có thói quen chuẩn bị và tích trữ thực phẩm trong nhà đầy đủ, rất nhiều các loại thực phẩm được mua trước khi có nhu cầu sử dụng, mang ý nghĩa cầu cho một năm sung túc, đủ đầy, không lo thiếu thốn, vất vả. Chính vì thế mà việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là rất quan trọng để mọi người đều có một cái Tết khỏe mạnh, sum vầy bên gia đình và người thân.

Theo số liệu thống của Bộ Y tế, chỉ trong 11 tháng đầu năm 2022 cả nước xảy ra 46 vụ ngộ độc thực phẩm, với 601 người bị ngộ độc, trong đó có 14 người tử vong.

Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân cũng như những người thân yêu trong gia đình, trước hết, người tiêu dùng nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm; cần thận trọng trong lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn, không ham rẻ mà dễ bị mua phải những thực phẩm bẩn trà trộn, có nguy cơ gây hại cho bản thân và gia đình.

Việc bảo quản thực phẩm cũng không kém phần quan trọng. Bảo quản thực phẩm đúng cách giúp thực phẩm giữ được độ tươi ngon, không bị biến chất, đảm bảo các giá trị dinh dưỡng, tránh tình trạng thực phẩm bị lên men, hư thối, nhiễm các loại vi sinh vật gây bệnh. Thực phẩm bị nhiễm bẩn nói chung khi ăn phải có thể gây ngộ độc cấp tính, dẫn đến suy tạng, thậm chí tử vong. Các trường hợp độc không ảnh hưởng ngay lập tức nhưng tích tụ dần trong cơ thể gây ung thư nếu sử dụng lâu dài.

Tùy vào từng loại thực phẩm cũng như thời gian sử dụng mà chúng có thể có những cách bảo quản khác nhau:

Bảo quản thực phẩm ở môi trường bên ngoài: một số loại ngũ cốc như: gạo, các loại hạt, rau dạng củ quả có vỏ dày như: khoai mỡ, bí đỏ, khoai tây, khoai lang... có thể để ở môi trường bên ngoài 2 tuần trong điều kiện thoáng mát, tránh ẩm mốc sẽ đảm bảo được giá trị dinh dưỡng.

Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, trước khi cho thực phẩm vào tủ lạnh phải đảm bảo một số nguyên tắc sau:

Thực phẩm phải được chứa trong các dụng cụ riêng biệt, có nắp đậy hoặc màng bọc thực phẩm trùm kín.

Thực phẩm sống để riêng ngăn với thực phẩm chín.

Đối với ngăn mát tủ lạnh; chứa các thực phẩm dùng trong ngày; sữa, bơ, thực phẩm chế biến dự kiến ăn ngay trong ngày phải cất vào hộp đựng thực phẩm; rau có lá cắt sạch, không để dính nước bọc trong túi nilon có thể để 5 ngày vẫn đảm bảo giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, đối với các loại rau mềm hơn như mồng tơi thì chỉ nên sử dụng trong 2 - 3 ngày. Trứng để trong tủ lạnh ở ngăn có khay đựng trứng, nhiệt độ không quá 50C bảo quản được trong 30 - 45 ngày, đặc biệt không nên rửa trứng với nước trước khi cho vào tủ lạnh. Hoa quả nên được bảo quản ở ngăn riêng, không để táo chung với các loại rau quả khác vì khí ethylene trong táo tỏa ra làm các loại quả khác chín nhanh hơn. Chuối không nên bảo quản trong tủ lạnh tránh dễ thâm, nhũn mất giá trị dinh dưỡng.

Đối với ngăn đông tủ lạnh: trên mỗi hộp thực phẩm nên được dán nhãn tên thực phẩm, ngày bảo quản để dễ quản lý thời gian hơn; đảm bảo nhiệt độ dưới -15oC; các loại thịt cá, hải sản nên chia thành từng phần đủ cho một bữa ăn trong gia đình và để riêng không dính vào nhau, khi sử dụng chỉ cần lấy ra rã đông đúng khẩu phần, không cần rã đông hết mảng lớn trong tủ lạnh.

Khi rã đông thực phẩm không nên để ngay thực phẩm vào trong nước, thay vào đó cần cho thực phẩm từ ngăn đông xuống ngăn mát để làm tăng nhiệt độ từ từ, sau đó mang ra ngoài thì thực phẩm, sẽ tan đá và không bị mất chất dinh dưỡng. Nếu muốn chế biến thì có thể sử dụng chế độ rã đông của lò vi sống. Thực phẩm sau khi được rã đông, nên sử dụng hết, tránh tình trạng đã rã đông nhưng sau đó lại cho ngược lại vào ngăn đông của tủ lạnh để bảo quản tiếp vì khi đó thực phẩm đã có thể nhiễm khuẩn và không còn đảm bảo giá trị dinh dưỡng - mất 1/3 chất béo hòa tan, trung bình giảm 20% tổng giá trị dinh dưỡng của thực phẩm.

Mỹ Hạnh - CDC Đồng Tháp

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn