Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Nâng cao chất lượng dân số

Cập nhật ngày: 22/12/2022 06:05:56

ĐTO - Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) là cách trực tiếp nhất để nâng cao chất lượng dân số. Thời gian qua, ngành y tế đã rất quan tâm triển khai nhiều biện pháp, đầu tư kinh phí cũng như mở rộng xã hội hóa dịch vụ chăm sóc SKSS, do đó, công tác này đã đáp ứng khá kịp thời nhu cầu của xã hội.


Bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn cho phụ nữ về chăm sóc sức khỏe sinh sản

Năm 2022, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Đồng Tháp phối hợp với các ngành, tổ chức chính trị - xã hội các cấp phổ biến, tuyên truyền rộng rãi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân số. Đặc biệt là Chiến dịch tăng cường truyền thông, vận động lồng ghép cung cấp các dịch vụ hàng hóa KHHGĐ, nâng cao chất lượng chăm sóc SKSS và phòng, chống viêm nhiễm đường sinh sản, nâng cao chất lượng dân số.

Xác định thực hiện tốt công tác chăm sóc SKSS là nâng cao chất lượng dân số, Khoa Sức khỏe sinh sản - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp thường xuyên phối hợp với các Trung tâm Y tế huyện, thành phố triển khai các hoạt động truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ; tăng cường các hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS tại các cơ sở y tế trên toàn tỉnh, chú trọng các hoạt động: chăm sóc trước sinh, phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, dự phòng bệnh đái tháo đường thai kỳ, dự phòng, tầm soát ung thư cổ tử cung, dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B, giang mai từ mẹ sang con; chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên... nhằm nâng cao kiến thức cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và giám sát hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật trong thực hiện các quy trình chuyên môn kỹ thuật như chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau sinh.

Trung bình mỗi ngày, Phòng khám đa khoa - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp tiếp đón hàng chục bệnh nhân, đồng thời tư vấn và thăm khám SKSS cho cả nam và nữ, khám sức khỏe tiền hôn nhân. Bác sĩ Phan Thị Thu Thủy - Phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Việc kiểm tra sức khỏe sinh sản là thực sự cần thiết, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhằm giúp sớm phát hiện các bất thường hay bệnh lý liên quan đến cơ quan sinh sản của nữ. Từ đó, đưa ra phương án điều trị thích hợp và an toàn nhất giúp điều trị bệnh; nâng cao kiến thức về SKSS, hạn chế nguy cơ mắc phải các bệnh lây nhiễm về đường tình dục, bệnh lý phụ khoa. Các cặp vợ chồng khi đồng thời thực hiện các kiểm tra về sức khỏe tiền sinh sản giúp sớm ngăn ngừa và hạn chế các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Đồng thời giúp thai nhi có quá trình hình thành và phát triển tốt nhất, ổn định nhất.

9 tháng đầu năm 2022, tổng số lượt khám thai toàn tỉnh là 51.894 lượt, khám phụ khoa trên 91.200 lượt, điều trị phụ khoa tại cơ sở y tế công lập trên 13.700 lượt. Ngành y tế duy trì vận hành và thực hiện hệ thống thông tin quản lý hậu cần phương tiện tránh thai và cung cấp các dịch vụ KHHGĐ theo quy định; Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh tiếp nhận và cung cấp phương tiện tránh thay tiếp thị xã hội hóa hàng hóa dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc SKSS, các lĩnh vực dân số. Qua đó, góp phần đảm bảo đáp ứng đủ các phương tiện tránh thai cung ứng đến đối tượng sử dụng thường xuyên và trong chiến dịch góp phần tạo điều kiện cho hơn 90% số phụ nữ mang thai được quản lý thai nghén; tỷ lệ phụ nữ được khám thai 4 lần trong 3 thời kỳ đạt trên 92% ; tỷ lệ phụ nữ sinh đẻ tại cơ sở y tế đạt 100%; các tai biến sản khoa đều giảm. Số bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đến tháng 10/2022 là 10.153 trường hợp; chiếm 77,98% trong tổng số phụ nữ mang thai từ đầu năm đến nay, đạt 119,97% chỉ tiêu kế hoạch năm 2022.

Để làm tốt công tác này, mạng lưới cán bộ làm công tác dân số, SKSS cần phải được kiện toàn và ổn định từ tỉnh đến cơ sở; chất lượng cán bộ các tuyến ngày càng được nâng cao. Các xã, phường, thị trấn cơ bản đã có cán bộ DS - KHHG và nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi thực hiện nhiệm vụ công tác DS - KHHG và chăm sóc SKSS thường xuyên.

Chị Trương Thị Hoa Sen ngụ xã Tân Quới, huyện Thanh Bình, cho biết: “Được sự quan tâm của đội ngũ cán bộ y tế xã tư vấn về SKSS, mỗi năm, tôi đều đến cơ sở y tế để khám, tầm soát các bệnh phụ khoa để bảo vệ sức khỏe của mình.

Theo kế hoạch, thời gian tới, ngành y tế tỉnh Đồng Tháp tiếp tục triển khai sâu rộng công tác truyền thông, phổ biến các chính sách về DS - KHHG, đặc biệt là việc đưa Chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ SKSS - KHHG đến vùng sâu, vùng xa góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn; phối hợp thực hiện hiệu quả Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, khám sức khỏe trước kết hôn; đồng thời tăng cường công tác giám sát hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật của tuyến tỉnh về chăm sóc SKSS cho tuyến cơ sở; hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn cho các cấp chính quyền và phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

K.N

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn